La Ngà là địa danh hình thành khá sớm trên vùng đất Đồng Nai, gắn với những sự kiện quan trọng của thời kỳ đấu tranh chống Pháp,chống Mỹ trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Ngày nay, La Ngà là tên của đơn vị hành chính cấp xã thuộc H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Quốc lộ 20 là trục lộ được Pháp khai mở từ đầu thế kỷ 20, phục vụ cho công cuộc khai thác ở Đông Nam bộ. Khởi điểm của trục lộ giao thông quan trọng này từ Dầu Giây, điểm nối với quốc lộ 1. Trước đây, tuyến đường này vượt qua địa hình đất đỏ bazan, những đồi núi có độ cao vừa phải nhưng không kém phần khúc khuỷu nối Biên Hòa với TP.Đà Lạt của cao nguyên Lang Biang. Ngày nay, cảnh quan chung quanh và dọc theo con đường này đã thay đổi nhiều với nhiều khu dân cư đông đúc, vườn rẫy và cây rừng không còn bạt ngàn. Trên cung đường này, từ cây số 104 đến 113 đã ghi dấu ấn của trận đánh giao thông lớn nhất trong lịch sử kháng Pháp ở miền Đông Nam bộ.
Vào buổi chiều 1-3-1948, dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Lung, Chi đội phó Chi đội 10, liên quân cách mạng tổ chức trận đánh vào đoàn xe quân sự của Pháp và giành thắng lợi, tạo nên tiếng vang lớn. Lực lượng Chi đội 10 Biên Hòa, chiến sĩ Xuân Lộc, liên quân 17 của Khu 7 trực tiếp phục kích đánh địch trên trận địa được bố trí mang mật danh A, B, C trong kế hoạch tác chiến “khóa đuôi, chặn viện, đánh thẳng”, “đánh nhanh, giải quyết gọn, rút lui mau”.
Trận đánh diễn ra chưa trọn 1 tiếng đồng hồ nhưng đã đem lại thắng lợi lớn. Đoàn xe quân sự của địch Sài Gòn bị tổn thất nặng nề với nhiều chiếc bị phá hủy, 150 lính bỏ mạng, 25 sĩ quan Pháp bị tiêu diệt; trong đó có đại tá De Sérigné (Chỉ huy bán Lữ đoàn lê dương 13 của Pháp), đại tá Patrius (Phó tham mưu trưởng quân Pháp ở Đông Dương), trung úy Joeffrey (Chỉ huy đội hộ tống) bị bắt sống. Sau trận đánh, lực lượng vũ trang cách mạng bị tổn thất ít, thực hiện phân tán quân, rút về căn cứ an toàn.
Để tổ chức một trận phục kích thắng lợi lớn ở La Ngà là cả một quá trình chuẩn bị, hiệp đồng, phối hợp rất quan trọng của nhiều lực lượng địa phương và lòng dân. Trong thời kỳ cách mạng bị Pháp thực hiện chiến thuật bao vây căn cứ, kiềm tỏa nhân dân, vấn đề chuẩn bị lương thực cho lực lượng tham chiến phải bắt đầu từ nhiều tháng trước đó.
Cán bộ, chiến sĩ phải vận động người dân ở nhiều nơi thu góp từng lon gạo, thực phẩm dự trữ cho lực lượng vũ trang sử dụng trước trận đánh. Người dân trong hoàn cảnh khó khăn vẫn một lòng tin tưởng, đóng góp và giữ bí mật về công việc ủng hộ. Bộ phận tình báo từ trong nội thành Sài Gòn nắm thông tin tình báo và kiểm tra trong một thời gian dài. Sự hiệp đồng tác chiến của nhiều đơn vị vũ trang và các địa phương tham gia kế hoạch: bố trí địa điểm tập kết, hành quân và chặn đánh gây cản trở để đoàn xe địch vẫn tiến đi và lọt vào trận địa phục kích đúng thời điểm. Các đợt hành quân tập kết trận địa của các cánh quân từ Xuân Lộc, căn cứ dài ngày nhưng không để lộ dấu vết trước sự thám thính của địch. Công tác chọn địa điểm gài mìn, bố trí trận địa tuyệt đối bí mật, chính xác không tạo dấu vết khả nghi…
Những yếu tố này góp phần cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm của lực lượng vũ trang cách mạng đã làm nên chiến thắng La Ngà hào hùng. Sau trận đánh, cách mạng đã thực hiện tốt công tác dân vận khi để những hành khách trong đoàn xe trở về Sài Gòn, tù bình được chăm sóc theo quy định và sau này được trao đổi giữa các bên.
Nhạc sĩ Hải Triều (Nông Hải Triều), chiến sĩ thông tin của Chi đội 10 đã sáng tác bài hát về chiến thắng La Ngà trong năm 1948 với lời ca hào hùng: “…La Ngà, nơi đó là mồ chôn thực dân, nơi đó nay còn vang nghe bài ca chiến thắng. Chiến sĩ La Ngà, kìa nhớ chăng ngọn cờ Việt phất cao hùng vĩ ngàn năm… La Ngà, muôn xác quân thù ngổn ngang, bao tiếng vang âm còn nghe hò reo với gió. Chiến sĩ La Ngà, này nhớ ghi lịch sử chốn đây giặc Pháp vùi thây”. Bài hát mới hoàn thành được đặt tên Đồng Nai, sau này đổi thành Tiếng hát Đồng Nai (là nhạc hiệu của Đài
PT-TH Đồng Nai). Giữa chiến khu đầy gian khổ, chiến sĩ chuyền tay những bản in thủ công, hào hứng hát với nhau để nhớ về chiến công, động viên nhau cùng chiến đấu chống kẻ thù.
Trận đánh La Ngà đã đi vào lời thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - vị chỉ huy Chi đội 10, Khu bộ phó Khu 7 trong sáng tác La Ngà vào năm 1949:
La Ngà sông nước ngàn xưa
Rừng tre nghiêng bóng mây mờ gương soi
Lòng xanh quyện mối u buồn
Thác gầm rền khúc căm hờn đêm đêm…
Một hôm đoàn Vệ quốc quân trở về
Nước đong đầy những ống tre
Cơm, khô, muối đậu, quần xe, súng dài…
La Ngà mừng, ngại bâng khuâng
Rừng xanh khuất dạng đoàn quân anh hào
Đoàn xe lại mới qua cầu
Đường quanh dốc hiểm, hố sâu gập ghềnh
Đầy xe lũ giặc hôi tanh
No say xương máu rập rình hát ca
Đường rung dưới bánh xe qua
Rừng chim im tiếng, bụi mờ non sông
Bỗng đâu sấm sét hãi hùng
Núi nghiêng đá đổ khói tung mịt trời
Súng rền, lửa táp ngọn đồi
Hố sâu xe cháy, thây người ngọn xanh
Máu tràn mất dậm đường quanh
Mây chiều đỏ ối, rừng tanh quân thù
Súng gươm chen với bóng cờ
Ba quân trỗi khải hoàn ca tưng bừng…
Ngày nay, trên quốc lộ 20 qua Định Quán, phía dưới chân cầu La Ngà, chúng ta nhìn thấy trên đồi cao một tượng đài vươn lên trên ngọn đồi cao. Đó là công trình kiến trúc ghi lại dấu ấn của trận đánh La Ngà năm xưa được Đồng Nai xây dựng năm 1998 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng La Ngà. Tượng đài cao, thể hiện 3 nhân vật gồm phụ nữ, hai chiến sĩ vệ quốc quân đứng trên mô hình chiếc xe quân sự bị phá hủy. Hình ảnh của tình đoàn kết quân dân, chiến sĩ tư thế thổi kèn xung trận và giương súng chiến đấu. Phía dưới chân dốc, có nhà lưu niệm trưng bày những hiện vật, hình ảnh, nhân chứng liên quan trận đánh.
Năm 1986, địa điểm tượng đài chiến thắng La Ngà (thuộc địa phận xã Phú Ngọc) được đưa vào danh mục di tích lịch sử cấp quốc gia. Hàng năm, chính quyền địa phương tổ chức lễ kỷ niệm về sự kiện lịch sử này, nơi đây trở thành điểm sinh hoạt về nguồn lý thú của giới trẻ, tham quan của người dân.
BAN TUYÊN GIÁO