Các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới: Quan hệ quốc tế và vai trò, vị trí trong đời sống chính trị - xã hội các nước hiện nay Cập nhật 10/07/2024 16:36
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, trong bối cảnh quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nổi lên ngày càng gay gắt, các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới vẫn đang tiếp tục nỗ lực củng cố tổ chức và lực lượng, ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò, ảnh hưởng trong đời sống chính trị - xã hội các nước.
Về quan hệ hợp tác quốc tế
Trên bình diện song phương, các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới hiện nay đều đã thiết lập và đang duy trì các quan hệ song phương khá chặt chẽ với nhiều đảng khác trong phong trào. Ngoài các đảng cộng sản, công nhân cầm quyền ở Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nhiều đảng khác cũng có quan hệ rộng rãi với các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới, như Đảng Cộng sản Liên bang Nga (có quan hệ với 150 đảng); Đảng Cộng sản Séc - Môrava (hơn 100 đảng)... Đối với những đảng nhỏ, điều kiện hoạt động khó khăn, việc xây dựng và triển khai quan hệ với các đảng khác đứng trước nhiều thách thức; đa số các đảng này thường duy trì quan hệ với chỉ một số ít đảng.
Các hình thức quan hệ chủ yếu giữa các đảng là trao đổi đoàn, trao đổi thông tin, tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm, dự đại hội, tham dự các hội thảo, diễn đàn,... Gần đây, một số đảng quan tâm đến việc trao đổi lý luận. Giữa một số đảng đã hình thành cơ chế trao đổi song phương định kỳ về lý luận, như giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào; giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Cuba, Đảng Cộng sản Nhật Bản, Đảng Cộng sản Pháp...
Trên bình diện đa phương, cùng với sự khôi phục dần dần quan hệ giữa các đảng cộng sản, công nhân, cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nhiều cơ chế, diễn đàn đa phương của các đảng cộng sản, công nhân quốc tế đã được hình thành với nhiều hình thức đa dạng, trong đó có cả các cơ chế hoạt động định kỳ và các hội nghị, hội thảo chuyên đề. Nhiều diễn đàn thường niên đã trở thành các diễn đàn có quy mô thế giới, quy tụ được sự tham dự của đông đảo các đảng cộng sản, công nhân từ khắp các châu lục trên thế giới.
Được hình thành từ năm 1998 do Đảng Cộng sản Hy Lạp khởi xướng, Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP) cho đến nay đã thu hút được sự tham gia của 118 đảng cộng sản và công nhân từ 85 nước trên thế giới, trở thành diễn đàn đa phương quan trọng nhất để các đảng cộng sản và công nhân trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác, phối hợp hành động vì sự nghiệp đấu tranh chung. Số lượng các đảng cộng sản, công nhân tham dự các kỳ cuộc gặp tăng so với thời kỳ đầu và duy trì khá ổn định, đồng thời thể hiện tính đại diện ngày càng cao. IMCWP đã xây dựng được mạng thông tin nhanh SOLIDNET ( www.solidnet.org) làm diễn đàn trao đổi thông tin giữa các đảng và xuất bản Tạp chí Information Bulletin, phát hành 3 kỳ/năm (trước đây) và hiện nay đăng tải những tài liệu sau các kỳ họp thường niên. Xuất phát từ một diễn đàn do Đảng Cộng sản Hy Lạp khởi xướng và đăng cai tổ chức hằng năm, từ năm 2006, IMCWP thực hiện luân phiên đăng cai giữa các đảng thành viên, có tính tới yếu tố châu lục. Đến nay, IMWCP đã tổ chức được 19 cuộc gặp ở tất cả các châu lục. Sự phối hợp giữa các đảng nhằm chuẩn bị cho các kỳ họp của diễn đàn ngày càng chặt chẽ. Năm 2004, IMCWP đã hình thành Nhóm công tác, từng bước kiện toàn Nhóm với các quy định ngày càng rõ ràng, để trao đổi các vấn đề quan trọng của diễn đàn và chuẩn bị cho các kỳ họp thường niên. IMCWP lần đầu tiên thông qua được văn kiện chung của các đảng tham dự tại Cuộc gặp năm 2002 và tiếp tục ra được các văn kiện chung dưới hình thức tuyên bố chung hoặc thông cáo chung trong nhiều kỳ sau đó. Tuy nhiên, trong 5 kỳ họp liên tiếp gần đây, những bất đồng về quan điểm, chiến lược và sách lược giữa các đảng thành viên đã khiến IMCWP bị chia rẽ, chủ yếu giữa một nhóm thiểu số do Đảng Cộng sản Hy Lạp làm nòng cốt với đa số còn lại không đạt được nhất trí về các văn kiện chung. Tháng 10-2016, tại IMCWP lần thứ 18, diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, với sự điều hành và nỗ lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, IMCWP đã đạt được sự đồng thuận cao để thông qua văn kiện chung sau nhiều năm gián đoạn, góp phần quan trọng vào sự đoàn kết, thống nhất của các đảng cộng sản và công nhân của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong tình hình hiện nay.
Là cơ chế đa phương do Đảng Lao động Bỉ (PTB) khởi xướng tổ chức thường niên từ năm 1992 đấn năm 2015, Hội thảo quốc tế các đảng cộng sản (ICS) đã thu hút được số lượng lớn các đảng cộng sản từ khắp các châu lục quan tâm tham dự, nhằm thảo luận về tư tưởng, đường lối đấu tranh và khả năng phối hợp hành động của các đảng cộng sản, công nhân và phong trào cánh tả trên thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ICS đã dừng hoạt động do PTB cho rằng cần phải xem xét lại phương thức tổ chức. Bên cạnh đó, còn có Hội thảo quốc tế “Toàn cầu hóa và các vấn đề phát triển” do Đảng Cộng sản Cu-ba tổ chức; Hội thảo quốc tế thường niên các đảng cộng sản và công nhân do Đảng Tập hợp dân chủ lập hiến Tuynidi (PRD) tổ chức(1).
Các diễn đàn định kỳ mang tính khu vực cũng phát triển mạnh mẽ. Trong số các sáng kiến đa dạng của Đảng Cộng sản Hy Lạp, Cuộc gặp các đảng cộng sản, công nhân châu Âu về chủ đề giáo dục được tổ chức liên tục hằng năm, từ năm 2006 đến năm 2010... Mặc dù bối cảnh hoạt động gặp nhiều khó khăn, các đảng cộng sản, công nhân khu vực Bancăng vẫn thường xuyên tổ chức các hội nghị chung, thảo luận về tình hình khu vực, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, như Cuộc gặp nhằm phản đối “sự hiện diện quân sự của chủ nghĩa đế quốc” trong khu vực (tháng 9-2006), Cuộc gặp về “những diễn biến ở khu vực Ban-căng và Đông Địa Trung Hải và nhiệm vụ của những người cộng sản” (tháng 12-2009 và tháng 01-2011)... Một số diễn đàn khu vực đã vượt qua khuôn khổ phạm vi địa lý ban đầu, trở thành các diễn đàn có quy mô thế giới. Diễn đàn Sao Pao-lô (ra đời vào tháng 7-1990 do Đảng Lao động Braxin khởi xướng) và Hội thảo quốc tế “Các đảng và một xã hội mới” (do Đảng Lao động Mêhicô tổ chức) đã tập hợp được không chỉ các đảng cộng sản, công nhân, lực lượng cánh tả, tiến bộ ở khu vực Mỹ Latinh mà còn cả các quan sát viên, khách mời đến từ những đảng chính trị trên khắp các châu lục và các tổ chức quốc tế.
Bên cạnh các cơ chế định kỳ nêu trên, các đảng cộng sản, công nhân thế giới đã tổ chức được nhiều cuộc gặp, hội nghị, hội thảo khoa học theo các chủ đề chuyên biệt, trao đổi về những vấn đề cấp bách nổi lên trong tình hình thế giới, khu vực và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Hình thức này chủ yếu diễn ra giữa các đảng cộng sản, công nhân châu Âu và do một số đảng cộng sản khu vực châu Âu khởi xướng. Chẳng hạn như, Cuộc gặp 23 đảng cộng sản, công nhân khu vực châu Âu (tháng 3-2006) theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha nhằm lên án Nghị quyết 1481 về cái gọi là “Sự cần thiết phải lên án quốc tế đối với tội lỗi của chủ nghĩa cộng sản” (Nghị quyết do Hội đồng châu Âu thông qua). Đảng Cộng sản Hy Lạp đã có sáng kiến tổ chức Cuộc gặp các đảng cộng sản, công nhân các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU, tháng 3-2008) về chủ đề “Hiệp định EU. Những diễn biến trong EU và cuộc đấu tranh của nhân dân”; Cuộc gặp các đảng cộng sản châu Âu (tháng 4-2011) về “Các tiến trình chính trị - xã hội ở châu Âu và phản ứng của những người cộng sản”; Cuộc gặp các đảng cộng sản và công nhân khu vực Đông và Nam Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Vùng Vịnh Pécxích (năm 2006, 2008). Năm 2005, Đảng Cộng sản Ucraina tổ chức Hội nghị bàn tròn “Những quan điểm thực sự về châu Âu và cách thức tổ chức cánh tả châu Âu” với sự tham gia chủ yếu của các đảng cộng sản, công nhân trên lãnh thổ Liên Xô trước đây và Đông Âu...
Ngoài ra, còn có nhiều cuộc gặp quy mô quốc tế, như Hội nghị tại Síp (tháng 12-2000) với chủ đề “Sự cần thiết và phương thức tổ chức nhằm đối phó với trật tự thế giới mới và toàn cầu hóa kinh tế” đã thu hút 60 đoàn đại biểu đảng cộng sản, công nhân tham dự; Hội thảo quốc tế tại Béclin (Đức, tháng 6-2001) với chủ đề “Toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa - các giải pháp thay thế - các lực lượng chống đối - vai trò của những người cộng sản” thu hút sự tham gia của đại biểu 33 đảng cộng sản, công nhân và phong trào thuộc 31 nước...; các hội nghị, hội thảo quốc tế về Cách mạng Tháng Mười Nga do Đảng Cộng sản Liên bang Nga nhiều lần tổ chức.
Các sự kiện lớn hằng năm của các đảng, như Hội báo Avanté của Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, Hội báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, duy trì được sự tham dự của hàng chục đoàn đại biểu quốc tế, trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề, như an ninh, hòa bình, hợp tác, xã hội - môi trường, đoàn kết và chủ nghĩa xã hội.
Sự đa dạng của các hình thức liên kết, tập hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới đã giúp tạo lập các kênh thúc đẩy quan hệ song phương phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thiệp giữa các đảng. Đó là tiền đề cho sự phát triển riêng của mỗi đảng và việc tăng cường phối hợp, hợp tác chung giữa các đảng trong phong trào.
Từ các hoạt động đối ngoại giữa các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới, có thể thấy sự liên kết, phối hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân trên phạm vi quốc tế ngày càng được đẩy mạnh. Các đảng thống nhất tăng cường quan hệ trên cơ sở 5 nguyên tắc: 1- Độc lập tự chủ; 2- Bình đẳng; 3- Tôn trọng lẫn nhau; 4- Không can thiệp công việc nội bộ của nhau; 5- Đoàn kết và hữu nghị với nhau.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đảng cộng sản, công nhân còn đứng trước không ít thách thức lớn. Đó là: Thứ nhất, những khác biệt về quan điểm chiến lược và nhiều vấn đề mang tính nguyên tắc, trong đó có quan điểm về mục tiêu, phương thức đấu tranh, tập hợp lực lượng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cũng như một số vấn đề quốc tế khác trong nội bộ và giữa các đảng. Thứ hai, tại không ít nước, nội bộ phong trào cộng sản bị phân hóa, phân liệt sâu sắc, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Hiện tượng đa đảng cộng sản, công nhân góp phần làm suy yếu phong trào cộng sản tại một số nước và tác động không thuận đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Vị trí, vai trò của các đảng cộng sản, công nhân trong đời sống chính trị - xã hội các nước
Ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại hiện nay, các đảng cộng sản cầm quyền đang không ngừng nỗ lực củng cố xây dựng đảng, nâng cao năng lực cầm quyền và quản lý nhà nước, mở rộng uy tín trên trường quốc tế thông qua những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng đất nước.
Đối với các đảng cộng sản, công nhân khác, sau cơn “chấn động chính trị” bởi sự tan rã của Liên Xô và sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, các đảng đã từng bước khôi phục, đấu tranh giành lại được quyền hoạt động công khai, hợp pháp, lấy lại uy tín, ảnh hưởng trong xã hội và trên chính trường. Nhiều đảng ở các nước đã tham gia tranh cử trong các cuộc bầu cử quốc hội, bầu cử tổng thống, bầu cử ở địa phương và giành được sự ủng hộ của cử tri, lập được đảng đoàn trong quốc hội, trở thành lực lượng chính trị quan trọng trên chính trường, có sự hiện diện trong cơ cấu quyền lực đất nước.
Ở khu vực Liên Xô - Đông Âu trước đây, Đảng Cộng sản Cộng hòa Môn-đô-va (PKRM) là đảng cộng sản đầu tiên trở lại cầm quyền bằng con đường dân chủ hợp hiến sau khi Liên Xô tan rã và cũng là đảng cộng sản duy nhất từng có thời gian chiếm đa số ghế trong Chính phủ Mônđôva. Đảng Cộng sản Liên bang Nga luôn duy trì được vị trí thứ hai trong các cuộc bầu cử tại Nga. Đảng Cộng sản Séc - Môrava - tham gia liên minh cầm quyền năm 2001 - 2009 và hiện nay vẫn duy trì được vai trò tham chính với tư cách là một chính đảng có ảnh hưởng đáng kể tại chính trường Séc.
Đảng Cộng sản Nhật Bản là đảng đối lập lớn thứ hai tại Nhật Bản, hiện có 21 ghế tại Hạ viện, 14 ghế tại Thượng viện và 2.811 ghế tại các hội đồng địa phương ở nước này. Đảng Cộng sản Nêpan Mácxít Lêninnít thống nhất (CPN-UML) đã có thời kỳ dài nắm giữ vai trò chủ chốt trong đời sống chính trị Nêpan sau khi nước này thiết lập nền dân chủ cộng hòa.
Nhiều đảng khác cũng củng cố được vị trí trong cơ cấu quyền lực của đất nước. Đảng Cộng sản Bê-la-rút (KPB), mặc dù chỉ là một đảng nhỏ với khoảng 6.000 đảng viên, nhưng giành được 8/110 ghế trong Quốc hội sau cuộc bầu cử Hạ viện khóa VI (tháng 9-2016), tăng 2 ghế so với khóa trước. Đảng Những người cộng sản Cưrơgưxtan là lực lượng chính trị lớn nhất tại Cưrơgưxtan trong giai đoạn 2001 - 2005 và tham gia Quốc hội đến năm 2010. Đảng Cộng sản Tátgikixtan tham gia Quốc hội Tátgikixtan các nhiệm kỳ 2000 - 2005, 2010 - 2015. Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha hiện là đảng lớn thứ tư trong Quốc hội nước này...
Một số đảng giành được kết quả tích cực trong các cuộc bầu cử chính quyền địa phương. Đảng Những người cộng sản Nga hiện có hơn 100 đại biểu tại các cơ quan chính quyền địa phương, trong đó có 2 đại biểu tại cơ quan lập pháp cấp tỉnh. Đảng Cộng sản Séc - Môrava giành 20,4% số phiếu ủng hộ (so với 11,27% vào năm 2010) trong cuộc bầu cử địa phương tháng 10-2012, đứng đầu tại 2/14 địa phương của Séc và được bổ sung thêm 68 ghế tại các địa phương. Ở Ấn Độ, Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) và Đảng Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M) giữ vai trò nòng cốt trong mặt trận cánh tả đang cầm quyền nhiều năm ở ba bang Tây Bănggan, Kêrala và Tripura.
Ở quy mô khu vực, trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014, một số đảng cộng sản, công nhân cùng các đảng cánh tả giành được 52/372 ghế và thành lập nhóm nghị sĩ cánh tả.
Điểm chung của nhóm các đảng này là có chính sách đối nội ôn hòa, đối ngoại cân bằng, hợp lý và linh hoạt. Các đảng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo quần chúng do đã đấu tranh trực diện với những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng đặt ra của đất nước, thuyết phục được một bộ phận quan trọng của cử tri.
Tuy nhiên, ngay cả đối với các đảng tham chính, số lượng đại biểu của đa phần các đảng này vẫn chỉ chiếm tỷ lệ thiểu số trong quốc hội. Thời gian cầm quyền của các đảng không ổn định, không lâu dài, một số đảng không giữ vững được quyền lãnh đạo hay duy trì sự hiện diện trong cơ cấu quyền lực đất nước. Đảng Những người cộng sản Cư-rơ-gư-xtan, từ vị thế chính đảng lớn, tham gia quốc hội, hiện không còn đạt đủ tỷ lệ phiếu bầu để có ghế trong quốc hội. Đồng thời, trong bối cảnh lực lượng cộng sản còn mỏng, việc trong một nước có nhiều đảng cộng sản cùng tham gia tranh cử làm phân tán số phiếu bầu cho các đảng, dẫn tới tỷ lệ phiếu bầu cho các đảng giảm, như trường hợp ở Nga. Nguyên nhân khách quan là do các đảng cộng sản, công nhân chịu sự cạnh tranh, công kích quyết liệt từ các đảng khác và chịu tác động của những điều chỉnh bất lợi về quy định bầu cử của chính quyền. Bên cạnh đó, cũng còn nguyên nhân chủ quan là thiếu kinh nghiệm quản lý, cầm quyền, nhất là kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng đối với đất nước; xử lý nhân sự bộ máy chính quyền. Những tính toán lực lượng và lựa chọn tập hợp lực lượng cũng có thể là lý do khiến sự ủng hộ các đảng từ phía cử tri giảm sút. Sau khi rút sự ủng hộ Chính phủ liên minh do Đảng Quốc đại Ấn Độ đứng đầu, số ghế mà CPI và CPI-M giành được tại Quốc hội giảm đáng kể. Phần lớn các đảng khác có vai trò, ảnh hưởng thấp trong cả đời sống xã hội lẫn trên chính trường. Tại hầu hết các nước Trung Á, như Ácmênia, Adécbaigian, Udơbêkixtan, Tátgikixtan, Cadắcxtan... các đảng, các tổ chức cộng sản tuy được phục hồi, nhưng thực lực không đáng kể, số lượng nhỏ bé, ảnh hưởng trên chính trường thấp. Đây là những đảng có số lượng cử tri, quần chúng ủng hộ thấp do chính sách thu hút cử tri chưa phù hợp, chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi người lao động; uy tín của những người cộng sản trong nhân dân chưa cao.
Tựu trung, sau những chấn động và thoái trào, nhiều đảng cộng sản, công nhân đã bắt đầu khôi phục lại được vai trò, vị trí trong đời sống chính trị - xã hội các nước, biểu hiện qua những kết quả đáng khích lệ, quan trọng đạt được tại các cuộc bầu cử toàn quốc và địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển và củng cố quyền lực của đa số các đảng còn chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị các nước cũng như đường lối, khả năng lãnh đạo, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của các đảng.
Nhìn lại tình hình các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới trong những năm vừa qua, có thể thấy những bước tiến tích cực của các đảng trong việc phát triển, mở rộng mối quan hệ quốc tế; đồng thời, nhiều đảng đã nỗ lực giành được vị trí, vai trò có ý nghĩa trong đời sống chính trị - xã hội các nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức lớn đối với các đảng nói riêng và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế nói chung. Để khắc phục được những hạn chế, vượt qua các thách thức, giành và giữ vững được tiếng nói trên chính trường, mỗi đảng cộng sản, công nhân phải không ngừng vươn lên, tự đổi mới, vừa mài sắc công cụ lý luận, vừa bổ sung các kinh nghiệm, tri thức thực tiễn trong việc lãnh đạo, điều hành đất nước, nhằm đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới của tình hình./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam |
|
|