NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2023) - MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO! - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI THÁNG THANH NIÊN NĂM 2023. - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2023) - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI THI ĐUA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH ĐỒNG NAI LẦN THỨ X VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027.
Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
THEO DẤU CHÂN BÁC
KỶ NIỆM 58 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23/10/1961 – 23/10/2019)
Cập nhật 24/10/2019 20:42
 
 50 năm đã trôi qua kể từ ngày đường Hồ Chí Minh trên biển được thành lập (23/10/1961 - 23/10/2011). Từ tuyến đường huyền thoại này, vượt qua bão tố phong ba và sự phong tỏa gắt gao của kẻ thù, những con tàu "không số" đã âm thầm vận chuyển thành công hàng trăm nghìn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men... chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.

HÀNH TRÌNH BÍ ẨN CỦA NHỮNG CON TÀU “KHÔNG SỐ"
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, nếu như đường Hồ Chí Minh trên bộ được ví là “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, thì đường Hồ Chí Minh trên biển lại gắn liền với hình ảnh những con tàu "không số" đầy bí ẩn giữa đại dương bao la.
Sự ra đời và tồn tại của hai con đường đầy bí ẩn này đã khiến cho giới chức quân sự Hoa Kỳ và chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời bấy giờ gặp vô vàn khó khăn trong việc ngăn chặn khả năng chi viện của quân đội miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Trở lại với câu chuyện của đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau hiệp định Geneva 1954, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ráo riết tiến hành chính sách “tố Cộng, diệt Cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam. Đứng trước tình hình đó, để tăng cường hơn nữa khả năng chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; bên cạnh tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ đã được mở vào năm 1959, Bộ Chính trị quyết định mở thêm tuyến vận tải thứ hai bằng đường biển. Và ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (nay là Lữ đoàn 125 Hải quân), đánh dấu sự ra đời của tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển.
 
 
Tàu 69 Đoàn 759 giả làm tàu đánh cá nước ngoài để vận chuyển
vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam (1966). Ảnh: Tư liệu

Tàu vận tải Đoàn 759 bốc dỡ hàng hoá chuẩn bị lên đường chi
viện cho chiến trường miền Nam (11/1968). Ảnh: Tư liệu

Tập thể cán bộ, chiến sĩ Ban Tham mưu Đoàn 759
thời kì đầu thành lập. Ảnh: Tư liệu

Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Tàu 154 -
Đoàn 125 Hải quân (1975). Ảnh: Tư liệu
 
Đêm 11/10/1962, từ bến K15 ở Đồ Sơn (Hải Phòng), một chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759, đóng giả tàu đánh cá chở theo 30 tấn vũ khí, rời bến lên đường vào Cà Mau, mở đầu cho những chuyến hành trình đầy bão táp của đoàn tàu "không số" trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Sau 10 ngày, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Sau chuyến đi thành công đó, các chiến sĩ Đoàn 759 đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện thăm hỏi, động viên và căn dặn cần rút kinh nghiệm để tiếp tục vận chuyển nhiều vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc, cho Nam - Bắc sớm sum họp một nhà.
Từ đó về sau, để tránh tai mắt địch, hầu hết các con tàu chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam đều được ngụy trang thành tàu đánh cá, không mang số hiệu cố định và liên tục thay đổi lộ trình trên đường đi. Vì vậy, tên gọi “tàu không số” cũng bắt đầu ra đời từ đấy.
 
 
Sơ đồ tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
 
 
Di tích "tàu không số "
ở Vũng Rô - 
Phú Yên. Ảnh: Trần Huấn
Từ 1961-1975, Đoàn 125 đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, đi gần 4 triệu hải lí, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí, trang bị kĩ thuật, thuốc chữa bệnh và 80.026 lượt cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Các tàu “không số” đã đánh trả hơn 1.200 lượt máy bay địch tập kích, 19 tàu “không số” và 700 tấn hàng bị phá hủy. Hơn 90 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh, chỉ duy nhất một người tìm được hài cốt. Đoàn 125 hai lần được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân; 8 cá nhân và 5 tàu được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên) vào tháng 2 năm 1965, địch tăng cường hoạt động tuần tiễu ráo riết. Vì vậy, Đoàn 759 phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu đi theo nhiều tuyến đường khác nhau. Đặc biệt, từ cuối năm 1970, ngoài hướng đi men theo phía Đông các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… Đoàn còn phải đi vòng qua nhiều vùng biển xa như phía Đông Bắc Malaysia, Vịnh Thái Lan...
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Nói về sứ mệnh lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nhận xét như sau: “Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam; con đường thể hiện ý chí, khát vọng độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc ta."

TRỞ LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Năm 2011 đánh dấu tròn 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011). Để ghi nhớ sự kiện đặc biệt này, ngày 05/10/2011, từ bến K15 ở Đồ Sơn - Hải Phòng, điểm khởi đầu của con đường huyền thoại trên Biển Đông năm xưa, 148 người gồm các cựu chiến binh đoàn tàu "không số" năm xưa và đoàn viên thanh niên ưu tú đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam đã lên đường thực hiện chuyến hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”.
 

Đoàn hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” làm lễ dâng hương và tưởng niệm
các anh hùng liệt sĩ tại bến K15 trước giờ lên đường. Ảnh: Trần Huấn

Di tích bến K15, điểm xuất phát của những con tàu "không số" năm xưa. Ảnh: Trần Huấn

Tàu HQ - 996 rời bến K15 lên đường thực hiện chuyến hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Ảnh: Trần Huấn

Con tàu vận tải HQ-996 đã đưa mọi người đi qua nhiều địa danh ghi dấu chiến công lừng lẫy một thời của những con tàu "không số" như: bến K15 (Hải Phòng), cảng Gianh (Quảng Bình), bến Sa Kỳ (Quảng Ngãi), cảng Vũng Rô (Phú Yên), bến 177 (Bà Rịa – Vũng Tàu), bến Thạnh Phong (Bến Tre), bến Vàm Lũng nơi địa đầu đất Mũi Cà Mau. Đây chính là 7 trong số nhiều điểm tập kết bí mật của các con tàu "không số" trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ những điểm này, hàng chục ngàn tấn vũ khí và lương thực do các con tàu "không số" vận chuyển từ miền Bắc vào đã được chuyển đến kịp thời cho các đơn vị đang tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Trong chuyến hành trình đặc biệt này, các cựu binh đoàn tàu "không số" năm xưa đã có dịp được trở lại chiến trường xưa sau mấy chục năm xa cách. Tại mỗi điểm dừng chân, họ được gặp lại đồng đội cũ, gặp lại người dân địa phương, những người đã cùng kề vai sát cánh, che chở, đùm bọc họ trong những năm tháng cam go và ác liệt nhất.
 

Cuộc giao lưu giữa hai thế hệ trên tàu HQ - 996.
Ảnh: Trần Huấn

Đoàn hành trình tham quan một chiến hạm của Hải quân
Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Trần Huấn

Nhân dân Vàm Lũng - Cà Mau mừng vui đón đoàn chiến sĩ
tàu "không số" năm xưa. Ảnh: Trần Huấn

Niềm vui ngày gặp lại sau gần 50 năm xa cách.
Ảnh: Trần Huấn

Còn nhớ, trong lần ghé bến Thạnh Phong ở Bến Tre, các cựu binh đoàn tàu "không số" đã tình cờ gặp lại ông Huỳnh Phước Hải, một đồng đội cũ. Mọi người gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Sau mấy chục năm, kẻ còn người mất nên không ai giấu được nỗi niềm xúc động. Gặp lại đồng đội cũ, ông Hải lần giở lại những kỉ vật của đoàn tàu "không số" mà ông đã nâng niu gìn giữ trong suốt 50 năm qua. Đó là một cái ca nhôm uống nước, một cái khay đựng đồ ăn trên tàu, và trong số kỉ vật ấy còn có cả một đầu đạn mà địch đã bắn vào cơ thể ông trong trận đánh bảo vệ tàu ở Bến Tre.
 

Các thành viên Đoàn hành trình dâng hương tại tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi). Ảnh: Trần Huấn

Cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa của 5 thủy thủ tàu "không số" sau mấy chục năm xa cách. Ảnh: Trần Huấn


Đối với lớp thanh niên trẻ, những người sinh ra sau ngày đất nước đã chấm dứt chiến tranh, chuyến đi là một cuộc trải nghiệm đầy thú vị và ý nghĩa. Suốt dọc hành trình chuyến đi họ đã được tham quan nhiều di tích liên quan đến đường Hồ Chí Minh trên biển. Tại mỗi điểm dừng chân, các bạn trẻ đã cùng nhau dâng hương tri ân tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì ngày độc lập của dân tộc và vì sự toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, qua chuyến đi này, Đoàn đã cùng với các địa phương trao tặng 20 ngôi nhà tình nghĩa có tổng trị giá 1,2 tỉ đồng, 167 sổ tiết kiệm (501 triệu đồng), 1.194 phần quà tặng cựu chiến binh tàu không số (597 triệu đồng) và 200 suất học bổng dành cho con em các gia đình cựu thủy thủ tàu "không số" (500 triệu đồng).
Sau 18 ngày gian nan vượt biển, vượt qua hơn 1.500 hải lí với 7 điểm dừng, ngày 22/10/2011 con tàu HQ-996 đưa Đoàn hành trình “Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” về đến điểm cuối là Tp. Hồ Chí Minh.
Chuyến đi đã làm sống lại trong lòng mỗi người những cảm xúc, những kí ức đặc biệt về một thời oanh liệt của lớp lớp chiến sĩ đoàn tàu "không số" đã hi sinh xương máu vì ngày độc lập của non sông đất nước.
Chuyến hành trình là một sự kiện quan trọng nhân kỉ niệm 50 ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là dịp để cho lớp trẻ được tri ân những người đã hi sinh vì đất nước, được sống lại với những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử. Và quan trọng hơn là để hun đúc một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ về vấn đề chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay./.​
Nguồn:Vietnamnet.vn
CÁC TIN KHÁC
PHÓNG SỰ ẢNH
Lượt truy cập :

Cơ quan chủ quản: Tỉnh Đoàn Đồng Nai
Địa chỉ: số 33, đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Website: doantncshcm.dongnai.gov.vn         Điện thoại: 02513.846.458        E-mail: vanphongtinhdoandn@gmail.com
® Ghi rõ nguồn " Tỉnh Đoàn Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

| Đăng nhập