NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2023) - MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO! - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI THÁNG THANH NIÊN NĂM 2023. - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2023) - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI THI ĐUA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH ĐỒNG NAI LẦN THỨ X VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027.
Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
THEO DẤU CHÂN BÁC
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đối với nông dân và sự vận dụng của Đảng ta trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Cập nhật 07/08/2019 16:53

16 nong thon moi

Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò của nông dân trong chiến đấu, trong sản xuất; là lực lượng to lớn của khối liên minh và đại đoàn kết dân tộc.

Để nông dân thực hiện được vai trò to lớn đối với cách mạng, Người căn dặn những người lãnh đạo, Chính phủ các công việc cần phải làm, đó là:

“Nông vận là phải:

- Tổ chức nông dân thật chặt chẽ.

- Đoàn kết nông dân thật khăng khít.

- Huấn luyện nông dân thật giác ngộ.

Lãnh đạo nông dân hăng hái đấu tranh cho lợi ích của nông dân, của Tổ quốc. Vận động nông dân là phải vận động thế nào cho toàn thể nông dân động, nghĩa là: Làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của dân tộc và của giới mình; làm cho nông dân vào Hội Nông dân cứu quốc cho đông để phấn đấu cho mục đích của mình và tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc”(1).

Đây chính là tư tưởng, đường lối, phương châm công tác dân vận, công tác quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người đối với cách mạng Việt Nam, đồng thời kế thừa truyền thống dân tộc của ông cha “lấy dân làm gốc” - cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.

Ngày 05-02-1953, trong Thư gửi Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc, Người đã chỉ rõ: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân”(2). Do đó, “muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công phải dựa vào quần chúng nông dân, muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”(3). Như vậy, theo Người nhận thức đúng, đường lối, phương châm đúng là chưa đủ mà vấn đề quan trọng là để nông dân phát huy được vai trò, sức mạnh của mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành nhiều sự quan tâm đến nông dân. Người luôn luôn trăn trở, lo lắng đến cuộc sống của người nông dân, “những người đóng góp nhiều nhất cho kháng chiến”. Trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, ngày 06-02-1953, Người đã quyết định: “Chính phủ quyết định phải triệt để giảm tô, để nông dân được hưởng lợi ích bước đầu của họ, để nông dân hăng hái đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến”(4). Và Người chỉ thị “Chính phủ định ra luật lệ cải cách ruộng đất, Đảng phái cán bộ về xã giúp đồng bào nông dân đấu tranh thực hiện Người cày có ruộng. Đó là bước đầu”(5). Từ đó, Người chỉ rõ trách nhiệm của người nông dân là “đã có ruộng, nông dân cần phải ra sức tăng gia sản xuất, để bảo đảm đời sống ấm no”(6). Người cũng xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ: “Đảng và Chính phủ cũng sẽ giúp thêm, như thu mua lâm sản và thổ sản cho nông dân, giúp thêm cán bộ, cho vay vốn”(7). Nhưng vẫn lưu ý nhắc nhở “các cô, các chú chớ có ỷ lại, phải cố gắng tự lực cánh sinh là chính, việc giúp đỡ là phụ”(8).

Tại Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, ngày 22-7-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Muốn đạt mục đích đó thì nhất định phải củng cố và phát triển hợp tác xã cho thật tốt, phải nâng cao không ngừng thu nhập của xã viên. Người cũng đã chỉ rõ quá trình, bước đi để xây dựng “nông thôn mới” thiết thực, có hiệu quả, đó là phải xây dựng cơ sở vật chất cho người nông dân để họ ổn định và có điều kiện tăng gia sản xuất, trước hết là “nhà ở”. Người cho rằng muốn xây dựng nông thôn mới thì việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng vì an cư thì mới lạc nghiệp.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Đại hội Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ: “Đối với giai cấp nông dân… tập trung sự chỉ đạo và các nguồn lực cần thiết cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn; thực hiện tốt các chính sách về ruộng đất, phát triển nông nghiệp toàn diện, tiêu thụ nông sản hàng hóa, bảo hiểm sản xuất và bảo hiểm xã hội; phát huy lợi thế từng vùng, giúp đỡ vùng khó khăn; phân bố dân cư theo quy hoạch, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, xây dựng nông thôn mới”(9).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta tiếp tục khẳng định, cần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cụ thể: “Khẩn trương xây dựng các quy hoạch phát triển nông thôn. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các làng, xã, ấp, bản có cuộc sống no đủ, văn minh, môi trường lành mạnh. Hình thành các khu dân cư đô thị hóa với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ như: Thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, cụm công nghiệp, trường học, trạm y tế, bưu điện, chợ. Phát huy dân chủ ở nông thôn đi đôi với xây dựng nếp sống văn hóa, nâng cao trình độ dân trí, bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục, mê tín dị đoan; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Tiếp tục tư tưởng chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ X, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Đảng ta đã ra Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng ta xác định là vấn đề có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngày 04-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Đây là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn đời sống, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã xác định rõ mục tiêu, thời gian, phạm vi thực hiện, đồng thời nêu lên nội dung, các giải pháp cũng như tiêu chí cụ thể của nông thôn mới.

Tại Đại hội lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục chỉ đạo cần tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân; khuyến khích tập trung ruộng đất; phát triển trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp phù hợp về quy mô và điều kiện của từng vùng; đổi mới cơ bản phương thức tổ chức kinh doanh nông sản, trước hết là kinh doanh lúa gạo; bảo đảm phân phối lợi ích hợp lý trong từng công đoạn từ sản xuất đến tiêu dùng; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất; hỗ trợ phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao…

Về xây dựng nông thôn mới, Đại hội XI chỉ rõ: “Quy hoạch phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển.

Như vậy, có thể nói Đảng ta đã quán triệt sâu sắc, cụ thể, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Người nông dân không thể tách rời môi trường sống của họ đó là sản xuất nông nghiệp và địa bàn nông thôn. Do đó, tư tưởng, quan điểm, đường lối, chính sách đối với người nông dân cũng đồng thời là đối với nông nghiệp và nông thôn. Ba vấn đề này là sự thống nhất biện chứng trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chính là để thực hiện chính sách đối với nông dân, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

Sau 30 năm đổi mới, thực hiện tư tưởng cũng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tại Đại hội lần thứ XII Đảng ta khẳng định, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn có chuyển biến; nông nghiệp phát triển toàn diện hơn… Xây dựng nông thôn mới có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm; các ngành dịch vụ chất lượng cao chậm phát triển; sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu liên kết và phối hợp; chất lượng nguồn nhân lực thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất.

Từ thực trạng đó, Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra yêu cầu trong thời gian tới cần phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý đồng thời phát huy vai trò chủ thể của hộ nông dân và kinh tế hộ…

Tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông dân, gắn với phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt, vận dụng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới tư tưởng, chủ trương, đường lối, chính sách đó đã trở thành “kim chỉ nam” để Đảng ta xây dựng đường lối chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong đó có vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Điều đó đã được khẳng định sâu sắc, nhất quán và cụ thể hơn từ Đại hội lần thứ IX của Đảng cho đến nay. Sự quán triệt, vận dụng tư tưởng của Người lại càng chứng tỏ tầm nhìn vĩ đại, sự quan tâm và tình yêu thương sâu sắc của Người đối với nhân dân lao động, trong đó có nông dân./.

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, tập 5, trang 312 – 313

(2) (3) Hồ Chí Minh, Sđd, tập 6, trang 353

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 6, trang 373

(5) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, trang 200

(7) (8) Hồ Chí Minh: Sđd, tập 7, trang 229

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 125

Nguyễn Thị Minh Huệ

Học viện An ninh nhân dân

Nguồn: Tapchicongsan.org.vn

CÁC TIN KHÁC
PHÓNG SỰ ẢNH
Lượt truy cập :

Cơ quan chủ quản: Tỉnh Đoàn Đồng Nai
Địa chỉ: số 33, đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Website: doantncshcm.dongnai.gov.vn         Điện thoại: 02513.846.458        E-mail: vanphongtinhdoandn@gmail.com
® Ghi rõ nguồn " Tỉnh Đoàn Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

| Đăng nhập