NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2023) - MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO! - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI THÁNG THANH NIÊN NĂM 2023. - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2023) - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI THI ĐUA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH ĐỒNG NAI LẦN THỨ X VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027.
Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Đào tạo nghề ở nông thôn: Cơ hội thoát nghèo bền vững
Cập nhật 13/01/2015 07:43

Sau 5 năm triển khai đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, đến nay Đồng Nai đã có gần 38,7 ngàn người được đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm hoặc nâng cao thu nhập lên tới trên 82%.

Thực hành nghề hàn công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán. Ảnh: C.Nghĩa
Thực hành nghề hàn công nghiệp tại Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán. Ảnh: C.Nghĩa

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, thành quả ý nghĩa nhất của quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đã giúp người dân tiếp cận được với nhiều phương pháp sản xuất mới, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với trình độ, từ đó thoát nghèo bền vững hơn.

Thoát nghèo nhờ có nghề

Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán được đánh giá là mô hình đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn khá hiệu quả. Từ trung tâm này, anh Huỳnh Văn Hiếu, ngụ xã Suối Nho đã có được nghề hàn công nghiệp trong tay, về mở xưởng cơ khí tại nhà, giải quyết việc làm cho một số thanh niên trong xã. Hay như chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ở KP.Hiệp Lực, thị trấn Định Quán, sau khi học may tại trung tâm đã mở được một xưởng may gia công tại nhà, đồng thời dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người.

Dự kiến mỗi năm sẽ có thêm 5,8 ngàn lao động mới ở nông thôn được dạy nghề. Đến năm 2020, tỉnh hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 23,4 ngàn người. Để thực hiện được mục tiêu trên, giai đoạn từ nay tới năm 2020, tỉnh sẽ chi khoảng 98 tỷ đồng, đồng thời huy động thêm 32 tỷ đồng từ Trung ương cho công tác này.

Ông Ngô Đăng Thành, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán, cho biết: “Ba năm trở lại đây, trung tâm là “lò” đào tạo và cung cấp thợ may cho xưởng may của Tổng công ty may Đồng Nai tại Khu công nghiệp huyện Định Quán và Công ty may Fashion Garments 2 tại Khu công nghiệp huyện Tân Phú. 

Còn chị Đinh Thị Thương, ngụ ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn (huyện Tân Phú) thì cho biết, gia đình chị chỉ có một miếng đất nhỏ, đủ để xây nhà và trồng rau do ông bà để lại. Trước đây chị làm thuê đủ nghề, tới mùa thì đi hái cà phê, hái tiêu, bóc hạt điều… nhưng công việc bấp bênh và chẳng đủ chi phí cho gia đình. Tháng 2-2012, nhờ sự vận động của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phú Sơn, chị Thương đã tham gia học nghề may ngắn hạn 3 tháng tại Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú. Sau khi tốt nghiệp, chị Thương được giới thiệu ngay vào làm việc ở xưởng may của Công ty may Fashion Garments 2 tại Khu công nghiệp huyện Tân Phú. Chị Thương cho hay, hiện tại thu nhập trung bình mỗi tháng của chị gần 5 triệu đồng, đủ để trang trải cho con cái học tập, còn thu nhập từ nghề xe ôm của chồng thì để tiết kiệm.

Trong khi đó, ông Trần Văn Vinh, ở ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) trước đây sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Việc chăn nuôi và trồng trọt dựa vào kinh nghiệm và khá bấp bênh. Nhờ được học nghề nuôi dê do Trung tâm dạy nghề huyện Xuân Lộc về mở tại trung tâm học tập cộng đồng xã, ông Vinh đã biết cách chọn dê giống, xây chuồng trại, đỡ đẻ cho dê, phòng và trị những bệnh phổ biến… Không chỉ có vậy, sau khi học nghề, ông Vinh còn được tặng 2 con dê giống. Ông Vinh chia sẻ: “Từ 2 con dê giống ban đầu, đến nay gia đình tôi thường xuyên duy trì đàn dê thịt trên 20 con. Tự tay tôi đỡ đẻ, trị bệnh cho dê mà không cần tốn tiền mời bác sĩ thú y”. Ông Hồ Chí Lịch, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Xuân Lộc, cho biết: “Những người như ông Vinh ở xã Xuân Trường giờ không ít. Ông Vinh còn là người truyền đạt kinh nghiệm nuôi dê cho nhiều nông dân khác…”. 

Chú trọng đến chất lượng

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại nhiều cơ hội cho người nghèo ở nông thôn thay đổi cuộc sống. Đến nay, không còn tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng và thành tích, mà đã được tổ chức một cách chặt chẽ hơn, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, hoặc người học tự phát triển được khả năng của mình. Việc học nghề đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt có ý nghĩa với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất và trình độ sản xuất hạn chế. Cụ thể, nhờ học nghề đã có trên 2 ngàn hộ thoát nghèo, trên 3,2 ngàn hộ có thu nhập trung bình vươn lên thành hộ có thu nhập khá.

Để hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã chi trên 77,4 tỷ đồng, đồng thời được Trung ương hỗ trợ đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề 18 tỷ đồng. Nhiều lượt giáo viên dạy nghề tại các trung tâm được đưa đi đào tạo nâng cao. Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng: “Việc dạy nghề đã đúng phương châm của tỉnh, đó là cho người dân chiếc “cần câu” chứ không phải cho sẵn “con cá”. Việc đào tạo nghề còn gắn liền hiệu quả với các chương trình lớn, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới…”.

Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, từ nay tới năm 2020 cần tiếp tục được đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả từ công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, dạy nghề, giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực của mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, như: nâng cao trình độ giáo viên, chương trình dạy nghề, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề... 

Toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 38.694 người, trong đó nghề nông nghiệp có trên 19 ngàn người (chiếm 49,23%), nghề công nghiệp và dịch vụ là 19,6 ngàn người (chiếm 50,77%). Hiện đã có trên 35,1 ngàn người tốt nghiệp các khóa học, trong đó có 29.071 người có việc làm (chiếm tỷ lệ 82,77%).

Công Nghĩa

(nguồn từ báo Đồng Nai)

 

CÁC TIN KHÁC
PHÓNG SỰ ẢNH
Lượt truy cập :

Cơ quan chủ quản: Tỉnh Đoàn Đồng Nai
Địa chỉ: số 33, đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Website: doantncshcm.dongnai.gov.vn         Điện thoại: 02513.846.458        E-mail: vanphongtinhdoandn@gmail.com
® Ghi rõ nguồn " Tỉnh Đoàn Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

| Đăng nhập