Những thế lực phản động vẫn
ngày đêm cố tình xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy của Việt Nam. Nhưng mọi
luận điệu của chúng đều trở nên lạc lõng.
Trong quá trình xây dựng và
phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực đổi mới, cải cách nhằm
nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý để phục vụ nhân dân tốt hơn. Cuộc
cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay cũng không nằm ngoài nỗ lực ấy.
Tuy nhiên, nhằm cản trở con
đường vươn tới của đất nước ta, những thế lực phản động vẫn đang cố tình xuyên
tạc chủ trương này. Chúng dùng đủ mọi thủ đoạn để tuyên truyền nhằm thay đổi niềm
tin, sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các trang tin xấu độc dù
trên danh nghĩa cá nhân hay tổ chức đều có chung một đích đến với hai luận điệu
chính: Một là, xuyên tạc rằng việc tinh gọn bộ máy là một hình thức thanh trừng,
triệt hạ đối thủ chính trị; hai là, hạ thấp hiệu quả, phủ nhận giá trị của cuộc
cách mạng này.
1. Những luận điệu trên
không chỉ phi lý mà còn đi ngược lại với thực tiễn và lý luận về quản lý nhà nước.
Tinh gọn bộ máy là một xu thế tất yếu của quản lý nhà nước hiện đại. Việc sắp xếp
lại tổ chức bộ máy không phải là một hiện tượng riêng của Việt Nam mà là một xu
thế tất yếu của mọi quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đã thực hiện cải cách
hành chính nhằm tinh giản biên chế, giảm bộ máy cồng kềnh, nâng cao hiệu suất
hoạt động.
Năm 1982, Trung Quốc tập
trung tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng cán bộ, nhân viên, nâng cao chất
lượng hoạt động. Các cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện giảm từ 100 xuống còn 61
cơ quan; các bộ giảm từ 52 xuống còn 43; cắt giảm 1/3 biên chế cán bộ, nhân
viên của các cơ quan thuộc Quốc vụ viện.
Tại Nhật Bản, năm 2001, nước
này thực hiện cuộc tái cấu trúc Chính phủ với quy mô chưa từng có. Cụ thể, số
lượng các bộ và cơ quan cấp bộ giảm gần một nửa, từ 22 xuống còn 13. Hay với Cộng
hòa Pháp, việc tái cơ cấu nhằm tinh giản bộ máy hành chính được thực hiện liên
tục những năm 1980 để giảm gánh nặng chi tiêu công và nâng cao hiệu suất làm việc...
Ngay trong lúc Việt Nam thực
hiện tinh gọn bộ máy, một số nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, cũng đang
quyết liệt cải cách bộ máy để nâng cao hiệu suất hoạt động và tiết kiệm chi
phí.
Đối với Việt Nam, chủ trương
tinh gọn bộ máy không chỉ phù hợp với xu thế hiện đại của thế giới, mà còn dựa
trên cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc. V.I.Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều
đã nêu bật ý nghĩa, sự cần thiết phải thường xuyên đánh giá, tiến hành sắp xếp
bộ máy hệ thống chính trị sao cho phát huy tối đa hiệu quả hoạt động.
Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt”
được công bố lần đầu tiên trên báo “Sự Thật”, số 49, ngày 4-3-1923, V.I.Lênin
đã khẳng định không chỉ phải đổi mới bộ máy nhà nước mà còn phải kiên trì, kiên
quyết với nguyên tắc “thà ít mà tốt”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan
tâm và đề cập đến việc tổ chức bộ máy và biên chế nhà nước ngay từ những ngày đầu
thành lập nước và nhiều thời điểm sau này. Quan điểm chung của Người là phải
không ngừng nâng cao hiệu suất làm việc, bố trí số lượng người phù hợp để vừa
làm tốt nhiệm vụ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, vừa tiết kiệm chi phí.
Bác từng nêu rõ: “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và
các ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người”; “Thực hành chấn chỉnh
biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản
xuất”...

Mọi
chủ trương của Đảng, Nhà nước bao gồm cả tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành
chính để nhằm mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh, mang lại đời sống hạnh
phúc cho nhân dân.
Với quan điểm nhất quán đó,
tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã thông qua Nghị
quyết “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày
25-10-2017) với mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của
hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo
của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động
của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của
nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng
hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần
cải cách chính sách tiền lương”. Nghị quyết còn xác định mục tiêu cụ thể đến
năm 2021 và từ năm 2021 đến năm 2030, cùng 10 nhiệm vụ giải pháp chung, 4 nhóm
nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị.
Như vậy, tinh gọn bộ máy ở
Việt Nam hiện nay là sự tiếp nối cần thiết của một chủ trương xuyên suốt của Đảng;
đương nhiên không có gì là bất thường như luận điệu của những thế lực thù địch,
phản động.
2. Không những thế, việc
tinh gọn bộ máy này còn là biểu hiện sâu sắc tinh thần cách mạng vốn là bản chất
của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quá trình sắp xếp lại bộ máy
hành chính của Việt Nam đã và đang được thực hiện một cách khoa học, khách
quan, có lộ trình rõ ràng và dựa trên các tiêu chí cụ thể. Trên cơ sở Đảng lãnh
đạo thống nhất, Quốc hội thể chế hóa, Chính phủ cụ thể hóa, Quốc hội đã thông
qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa
đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; đồng thời,
thông qua 1 nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ
máy nhà nước; 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội,
Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về
cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc
hội khóa XV (2021-2026)...
Trên cơ sở đó, cơ cấu tổ chức
của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 đã được thu gọn còn 17 bộ, ngành; giảm 5 bộ,
ngành. Tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng
giảm số lượng lớn đầu mối, cụ thể: Giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương,
giảm 519 cục và tổ chức tương đương, giảm 219 vụ và tổ chức tương đương, giảm
3.303 chi cục và tương đương chi cục. Ở địa phương, 63 tỉnh, thành phố đã giảm
343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh; 1.454 cơ quan chuyên
môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện...
Việc giảm số lượng lớn đầu mối
cũng đồng nghĩa với giảm số lượng hàng nghìn cán bộ cấp trưởng, cấp phó. Tuy
nhiên, đây cũng mới chỉ là bước đầu của quá trình sắp xếp bộ máy, mục tiêu tiếp
theo là tinh gọn đội ngũ đi liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin,
chuyển đổi số vì mục tiêu “tinh - gọn - mạnh”. Đây còn là nhiệm vụ mang nhiều
giá trị to lớn vì nước, vì dân. Vì chỉ khi bộ máy tinh gọn thì Nhà nước mới có
cơ sở để giảm chi tiêu thường xuyên (hiện đang ở mức khoảng 73%), từ đó mới có
thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển. Chỉ có tinh gọn bộ máy, Nhà nước mới có
cơ sở để cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức
- một trong những giải pháp căn cơ, sâu rễ bền gốc nhằm phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực trong bộ máy hành chính.

Sự ủng
hộ, chung sức đồng lòng của nhân dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng đưa đất nước
tiến lên.
3. Chính vì tất cả những cơ
sở khách quan, mục tiêu cao cả và tốt đẹp đó, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã
và đang nhận được sự ủng hộ to lớn từ nhân dân và đông đảo cán bộ, công chức,
viên chức. Hàng nghìn cán bộ lãnh đạo, công chức đã xin nghỉ hưu trước tuổi để
làm gương và để ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhiều đồng chí đã chia sẻ
quan điểm đây không phải quyết định vì cá nhân mà vì sự phát triển chung của
ngành, của đất nước.
Người dân ở khắp nơi đều tin
tưởng và kỳ vọng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và cùng với việc sắp xếp
đơn vị hành chính sẽ tạo bước đột phá cho đất nước phát triển cất cánh.
Chủ trương này cũng nhận được
sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế, các tổ chức cùng cộng đồng
doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giáo sư Andreas Stoffers, giảng viên Đại học
Khoa học ứng dụng FOM (Cộng hòa Liên bang Đức) chia sẻ với VTV4 (Đài Truyền
hình Việt Nam): “Có hai điểm nổi bật khiến tôi đặc biệt ấn tượng, đó là quy
trình được triển khai nhanh chóng không tính bằng năm mà chỉ trong vài tháng;
tiếp theo là phạm vi thay đổi ấn tượng. Đây là một minh chứng cho thấy sự quyết
liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và sự đồng thuận, quyết tâm cao của người
dân Việt Nam”.
Một chủ trương đúng đắn về cả
lý luận và thực tiễn, đặc biệt nhận được sự ủng hộ của cả trong và ngoài hệ thống
chính trị, thực sự là “ý Đảng, lòng dân” thì không có gì có thể xuyên tạc được.
Mọi luận điệu cho dù núp bóng dưới hình thức nào đều trở nên lạc lõng.
Mặc dù vậy, cán bộ, đảng
viên và đặc biệt là người dân cần nêu cao cảnh giác khi tiếp xúc với các thông
tin xấu độc từ các trang mạng xã hội, những đơn vị báo chí nước ngoài có “truyền
thống” chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bởi các luận điệu nhằm xuyên tạc một chủ
trương tốt đẹp, vững chắc về cả lý luận và thực tiễn cũng được chúng xây dựng
công phu với các “chiêu thức” ngày càng tinh vi, có lớp, có lang đầy đủ nhằm
tung hỏa mù, lập lờ đánh lận con đen... Những thông tin như vậy có thể vẫn khiến
một số người nhẹ dạ, thiếu thông tin, yếu bản lĩnh khó phân biệt đúng sai dẫn đến
lung lay niềm tin, thậm chí có những hành động sai trái, đơn giản như “like”,
“share”...
Dẫu bị chống phá, xuyên tạc
thế nào, chúng ta đều tin tưởng vững chắc rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
gắn với sắp xếp đơn vị hành chính vì tương lai phát triển của đất nước, vì hạnh
phúc của nhân dân mà toàn Đảng, toàn dân đang một lòng, một dạ quyết tâm thực
hiện chắc chắn sẽ thành công.
Việt Trinh