Thanh niên là người chủ tương lai của nước
nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Tuổi
trẻ là lực lượng xung kích, hăng hái nhất, mạnh mẽ nhất của đất nước và họ là
niềm hy vọng, là tương lai của Tổ quốc. Thế hệ trẻ là đối tượng chủ yếu và quan
trọng của giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân
tộc - nền tảng của đất nước vững mạnh và phát triển.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, với dân số toàn tỉnh có trên 3,2 triệu người, trong đó thanh
niên từ 16 đến 30 tuổi có 544.218 người (theo số liệu thống kê của Công an
tỉnh), chiếm 16,71% so với dân số trên địa bàn tỉnh, đây là nguồn nhân lực dồi
dào, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc
phòng - an ninh.
Giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng
yêu nước trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết khi mà khoa học công nghệ
phát triển mạnh mẽ, toàn cầu hóa, quốc tế hóa với nhiều yếu tố tác động đa
chiều, càng cần tăng cường thực hiện giáo dục truyền thống cách mạng, ý thức
dân tộc, lòng yêu nước trong thế hệ trẻ một cách bài bản, có hệ thống.
Hội nhập quốc tế là xu thế giúp các nước giao
lưu phát triển kinh tế, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển. Cũng từ
đó mà những đặc trưng, giá trị văn hoá truyền thống vừa có thể được lan toả đến
bạn bè quốc tế, nhưng cũng vừa tiềm ẩn phai nhạt, hoà tan nếu người trẻ chỉ mãi
chạy theo “thời thượng”. Thúc đẩy thế hệ trẻ hội nhập nhưng vẫn giữ gìn được
bản sắc dân tộc, để mỗi người vẫn là một hạt nhân của giá trị văn hóa dân tộc
và là một chủ thể trong việc lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam ra thế giới
là một vấn đề đòi hỏi cấp bách và lâu dài.
Trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới, đất nước ta
đã đạt được thành tựu to lớn, nhiều lĩnh vực phát triển được thế giới đánh giá
là kỳ tích. Đường lối đổi mới được mở ra từ năm 1986 mà điểm khởi đầu được xác
định là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đã thúc đẩy chuyển đổi mô
hình kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế đa thành phần, phát huy dân chủ
trong kinh tế, vượt qua mọi thách thức, đặt ra tiền đề, cơ hội mới phát triển
ngày càng cao của đất nước.
Đường lối đổi mới đã đưa Việt Nam trở thành
một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với mức sống và chất lượng cuộc sống
của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao đáng kể. Từ một trong những
quốc gia có thu nhập thấp nhất thế giới, hàng năm một bộ phận nhân dân thiếu
trầm trọng lương thực và các nhu yếu phẩm cho cuộc sống, Việt Nam đã vươn lên
trở thành một nền kinh tế năng động, là quốc gia xuất khẩu hàng đầu nhiều mặt hàng
nông sản và đóng góp tích cực vào quá trình toàn cầu hóa. Uy tín và vị thế quốc
gia dân tộc được nâng cao trên trường quốc tế.
Song hành với hội nhập về kinh tế là hội nhập
về văn hóa, đó là quy luật tất yếu. Những tác động ở các mức độ khác nhau,
cường độ khác nhau từ nhỏ tới lớn của toàn cầu hoá lên ý thức của người trẻ
hiện nay, cả về ý thức dân tộc, văn hóa là không thể phủ nhận. Trên thực tế, sự
du nhập của các giá trị văn hóa nước ngoài vào Việt Nam đã có sự thâm nhập vào
đời sống, làm cho đời sống văn hóa sinh động hơn, đa dạng hơn và tác động đáng
kể đến lối sống, cách suy nghĩ và tác phong lao động, học tập của giới trẻ. Sự
xâm nhập đó đương nhiên xâm lấn, thay thế phần nào văn hóa truyền thống dân
tộc, đặc biệt là đời sống sinh hoạt văn hóa ở thế hệ trẻ. Nhiều người trẻ dễ
mất phương hướng hoặc trở nên ích kỷ hơn, họ không còn quan tâm đến những mục
tiêu chung của tập thể mà thu mình lại trước việc tiếp cận những điều mới từ xã
hội. Kết quả là, nhiều người trẻ thờ ơ, bàng quan trước sự phát triển của đất
nước mình.
Huyện đoàn, Công an huyện
Xuân Lộc ra mắt đội hình quảng bá du lịch Xuân Lộc
Việt Nam là dân tộc có truyền thống văn hóa
cởi mở dễ dàng tiếp nhận các giá trị văn hóa từ bên ngoài du nhập vào. Song,
các giá trị văn hóa truyền thống có sự bền chặt trên nền tảng là chủ nghĩa yêu
nước, lòng tự hào dân tộc. Bởi vậy, nền văn hóa dân tộc không bị mai một hay
đồng hóa dù qua hàng nghìn năm Bắc thuộc, nhiều chục năm bị cai trị bởi thực
dân, đế quốc phương Tây với chính sách văn hóa thực dân, cố tình áp đặt vào
những sản phẩm văn hóa tư sản. Song, trong bối cảnh hiện nay, hội nhập về văn
hóa luôn có tác động đa chiều, cả những giá trị tiến bộ, tích cực và những phản
tiến bộ, tác động tiêu cực, dẫn đến những hiệu ứng xã hội khác nhau cho đất
nước. Hậu quả tác động tùy thuộc chủ yếu vào cách tiếp cận, sàng lọc.
Ý thức về dân tộc, đất nước tồn tại bên trong
mỗi người vì chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa bằng tinh thần dân tộc, đề cập
đến những điểm tương đồng cơ bản của truyền thống, bao gồm huyết thống hoặc
dòng dõi, nguồn gốc dân tộc, khu vực địa lý, đức tin và ngôn ngữ, tôn giáo, văn
hóa.
Tuổi trẻ hiện nay là thế hệ được thụ hưởng
thành tựu của công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, có
trình độ khoa học và tri thức, sự giác ngộ và cách nhìn, trình độ tư duy và
phẩm chất đạo đức mới, họ là niềm tự hào và tương lai của đất nước. Nhìn nhận
trong bối cảnh hiện nay, những tác động tích cực của hội nhập quốc tế và sự
phát triển mạnh mẽ của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, nền độc lập hòa
bình của đất nước đã tạo nên môi trường thuận lợi cho việc học tập, sáng tạo và
phát triển toàn diện của thế hệ trẻ trên quê hương, nhiều người trẻ được đi học
tập tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới. Trong bối cảnh
khoa học và tri thức ngày càng có tầm quan trọng to lớn, người trẻ dần trở
thành lực lượng lao động quan trọng, là một phần tất yếu của cuộc sống, phát
triển và hạnh phúc của mỗi người, sự thịnh vượng của các quốc gia dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và những mục
tiêu, yêu cầu mới, nội dung giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cần
thay đổi, tập trung giáo dục thế hệ trẻ về tri thức văn hóa truyền thống dân
tộc, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc, nhận thức rõ giá trị văn hóa, lịch sử,
truyền thống dân tộc. Trang bị cho học sinh, sinh viên kiến thức về lịch sử,
văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời khuyến khích sự tự hào và lòng yêu
nước sẽ góp phần xây dựng một xã hội đoàn kết và phát triển bền vững.
Cách thức giáo dục cần không ngừng đổi mới cho phù hợp. Cụ thể, đối với đối
tượng học sinh, sinh viên cần lồng ghép giáo dục ý thức dân tộc vào chương
trình học tập kiến thức và hoạt động ngoại khóa.
Giáo dục ý thức dân tộc không chỉ đơn thuần là
việc học về dân tộc trong sách vở, mà cần tạo ra những trải nghiệm thực tế và
kết hợp với các hoạt động thực tế trong xã hội. Việc tìm hiểu và tham gia vào
các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống và các dự án cộng đồng sẽ giúp học
sinh và sinh viên hiểu rõ hơn về quê hương, tinh thần dân tộc và trở thành công
dân tích cực và trách nhiệm.
Trong thời gian qua, các cấp Đoàn, Hội, Đội đã
quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng
về công tác thanh niên. Nội dung phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, sáng
tạo, phù hợp với nhu cầu thực tế và nguyện vọng của tuổi trẻ. Các phong trào
thanh niên lôi cuốn tuổi trẻ rèn luyện và phát triển một cách toàn diện, tập
trung vào học tập kiến thức và đề cao nhân cách, giá trị đạo đức. Thanh niên
được khuyến khích tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo,
rèn luyện kỹ năng xã hội, tư duy sáng tạo và trách nhiệm công dân. Đoàn, Hội
các cấp chủ động tổ chức nhiều hoạt động để thanh niên học tập, rèn luyện,
nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Việc tư vấn, hỗ trợ đời sống vật
chất và tinh thần cho thanh niên cũng được nâng cao. Các cấp bộ Đoàn đã triển
khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ để định hướng và đồng hành cùng thanh
niên trong việc rèn luyện kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội;
tham gia các hoạt động tình nguyện, sáng tạo, hội nhập và nghiên cứu khoa học,
góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
Một điều quan trọng là phải khơi dậy lòng yêu
nước trong thanh niên, khuyến khích họ rèn luyện, giữ vững lập trường chính trị
vững vàng thông qua các chương trình hữu ích và xây dựng hệ thống hỗ trợ thanh
niên học tập, nghiên cứu, lao động, làm chủ công nghệ và ngoại ngữ. Đoàn, Hội
cần đổi mới phong trào thi đua theo hướng đáp ứng nhu cầu chính đáng của tuổi
trẻ.
Đoàn viên chụp hình tác
phẩm theo trend vẽ cờ Tổ quốc
Yêu nước là trách nhiệm của tất cả mọi người
sống trong một quốc gia. Người dân mỗi quốc gia dân tộc luôn mang tinh thần yêu
nước và người trẻ là một bộ phận quan trọng. Để khơi dậy tình yêu nước trong
mỗi người dân Việt Nam, cần làm ngay từ những hoạt động nhỏ nhất, và cần bắt
đầu từ sớm nhất bởi một hạt giống sẽ phát triển thành một cây to lớn chỉ khi nó
được chăm sóc đúng cách ngay từ đầu. Do đó, cần quan tâm thực hiện một số giải
pháp sau:
Một là, cần sự quan tâm sâu sắc từ ngành giáo
dục, thầy cô giáo, nâng cao vai trò to lớn của thầy cô trong việc nuôi dưỡng
lòng yêu nước trong học sinh. Ngay từ khi xuất phát điểm còn ở trên ghế nhà
trường được truyền đạt các giá trị truyền thống, văn hoá, tinh thần dân tộc,
tình yêu quê hương, đất nước thì sẽ dần hình thành trong lứa tuổi thiếu nhi,
nhi đồng, thiếu niên. Cùng với đó, từ phía gia đình cũng có vai trò quan trọng
trong việc hình thành tư duy, tình cảm của trẻ. Cách nhìn nhận của cha mẹ đối
với truyền thống cách mạng, yêu nước sẽ được thể hiện rõ rệt ở con cái của họ.
Vì vậy, điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải coi trọng giáo dục giá trị truyền
thống, hướng dẫn, chỉ bảo con em, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước từ
thuở nhỏ, thường xuyên nhắc nhở về tầm quan trọng của điều ấy.
Hai là, các hoạt động truyền thông về tuyên
truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, tự tôn
dân tộc cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nhân các ngày lễ kỷ niệm quan trọng của
Đảng, đất nước, địa phương là dịp để quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam anh
hùng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, triển lãm, chiếu phim,
kể chuyện… và xen lẫn vào hoạt động của trường học, của Đoàn, Hội, Đội, của địa
phương sẽ làm phong phú phương thức tuyên truyền, giúp bồi đắp tình cảm của
người trẻ với lịch sử nước nhà, từ đó thêm phần yêu nước.
Ba là, khẳng định vai trò quan trọng của các
cấp bộ Đoàn, Hội, Đội - người bạn, người thân và người đồng hành không thể
thiếu của tuổi trẻ, giúp định hướng người trẻ với tinh thần tích cực, yêu nước
nồng nàn. Đoàn, Hội, Đội các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa, đa dạng hoá các hoạt
động tuyên truyền, hoạt động thiết thực ý nghĩa bồi đắp tinh thần yêu quê
hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi bạn trẻ thông qua các
hoạt động thường xuyên, liên tục.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc
tế đã làm thay đổi mọi khía cạnh của đời sống xã hội, bao gồm cả hoạt động và
ứng xử, đặc biệt là ở lứa tuổi trẻ. Chính vì vậy, mỗi người cần nuôi dưỡng tâm
hồn và cùng nhau chia sẻ về lịch sử, hiện tại và tương lai, niềm tự hào, tự tôn
dân tộc để thêm yêu nước và vững vàng trong hội nhập, giao lưu và ngay trong
cuộc sống thường ngày.
Phương Thảo