Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cùng Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam khảo sát, nghiên cứu tại TP Đà Nẵng chỉ ra rằng: Phần lớn trẻ em bắt đầu sử dụng internet chủ động từ 9 đến 11 tuổi và tuổi sử dụng ngày càng giảm, thậm chí là từ 2 đến 3 tuổi. Trẻ thường tự học cách sử dụng internet hoặc học từ nhau, số ít được học từ nhà trường nhưng chủ yếu về khoa học máy tính thay vì các kỹ năng số, rất ít trẻ em học cách sử dụng internet từ cha mẹ. Cùng với đó, việc trẻ dễ tiếp thu và sử dụng thiết bị công nghệ; sự tò mò; chưa hiểu đầy đủ về những nguy cơ khi sử dụng internet... khiến các em rất dễ gặp rủi ro.

Xây dựng ý thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn cho trẻ
Ngoài việc hướng dẫn con sử dụng internet an toàn, anh Nguyễn Huy Hoàng (bên trái) còn gần gũi để con chia sẻ kịp thời các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cũng như trên internet. Ảnh: HOÀNG HUY. 

Theo anh Đào Xuân Mừng, chuyên gia về bảo mật và an toàn thông tin của Công ty Cổ phần Phát triển phần mềm và hỗ trợ công nghệ (Misoft), nguy cơ dễ thấy nhất là trẻ nghiện các trò chơi điện tử trên internet. Nội dung trò chơi chưa hẳn xấu nhưng thường chứa virus, quảng cáo hoặc những thông tin, đường link dẫn đến các website khiêu dâm; xảy ra xích mích trong game và có thể dẫn đến việc gây hấn, xô xát ngoài đời thực. Ngoài ra, trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, phạm pháp, bắt nạt trên mạng... Vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ nhận diện các nguy cơ, rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng internet. Đồng thời, hướng dẫn trẻ cách xử lý trong trường hợp gặp phải những nguy cơ, rủi ro trên mạng. Anh Đào Xuân Mừng chia sẻ: “Ngay khi các con tôi tiếp cận internet, việc đầu tiên là tôi yêu cầu các con cam kết một số việc: Không tiết lộ các thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, địa chỉ/số điện thoại/nơi làm việc của bố mẹ hoặc tên và địa điểm trường học của mình mà chưa có sự đồng ý của bố mẹ. Không gặp người quen qua mạng, không được gửi ảnh cá nhân hay bất cứ thứ gì cho người lạ mà chưa có sự xem xét và đồng ý của bố mẹ... Ngoài ra, tôi cũng hướng dẫn các cháu thiết lập mật khẩu mạnh cho các tài khoản (gồm 6 ký tự, bao gồm cả chữ, chữ in hoa, chữ số và ký tự đặc biệt)”. Anh Nguyễn Huy Hoàng, nhà ở chung cư CT36A Metropolitan, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: “Tôi có hai cháu 3 và 7 tuổi. Từ bé, các cháu đã tiếp xúc với internet thông qua việc xem các chương trình trên Youtube. Khi các cháu muốn xem, tôi chỉ mở chương trình thiếu nhi phù hợp với độ tuổi và luôn giám sát. Ngay khi cháu lớn vào lớp 1, thường xuyên phải sử dụng máy tính, internet cho việc học tập, gia đình tôi đã phải đặt ra những yêu cầu, giới hạn và hướng dẫn cháu sử dụng internet một cách an toàn”.

Ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng...