NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2023) - MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO! - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI THÁNG THANH NIÊN NĂM 2023. - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2023) - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI THI ĐUA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH ĐỒNG NAI LẦN THỨ X VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027.
Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
THEO DẤU CHÂN BÁC
Đôi nét về tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ Học đánh cờ
Cập nhật 10/10/2019 20:53
 

Ngày nay, những ai là người Việt Nam biết chơi cờ tướng đều thích ngâm nga “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công”. Đây là hai câu trong bài Học đánh cờ (Học dịch kỳ)(1) trong tập thơ Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người sáng tác từ 29/8/1942 đến 10/9/1943, khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc.

Tập thơ gồm 134 bài bằng chữ Hán viết theo thể thơ Đường, ghi lại từ sinh hoạt hằng ngày, hoàn cảnh sống, bạn tù, các sự kiện, cảnh sắc thiên nhiên cho đến tâm tư, tình cảm, lập trường, tư tưởng, ý chí, khát vọng... của Bác trong thời gian bị giam cầm. Vì thế, Nhật ký trong tù không những lột tả được đời sống của nhân dân Trung Quốc, sự hà khắc của ngục tù dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, mà còn thể hiện tư duy của Bác trên con đường lãnh đạo cách mạng, đó là phải nắm vững thời cơ, phương pháp cách mạng và luôn đau đáu một lòng trăn trở tìm đường cứu nước, cứu dân. Thực vậy, đây là giai đoạn cách mạng nước ta phát triển mạnh mẽ, chuẩn bị mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa nên Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh nghĩa đại biểu Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ Quốc tế chống xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế. Bị bắt giam trong hoàn cảnh đó, làm cho Người vô cùng nóng lòng, sốt ruột: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao”, dù phải chịu đựng, chứng kiến bất cứ việc gì trong lao tù tâm trí của Bác cũng đều liên tưởng, suy ngẫm về cuộc tranh đấu giành độc lập dân tộc và gửi gắm tâm trạng ấy qua nhiều áng thi ca, Học đánh cờ là một bài thơ như vậy. Trong bài thơ này, phương pháp tiến hành cách mạng, tư tưởng quân sự, nhất là mối quan hệ giữa “lực”, “thế”, “thời”, “mưu” đã được Chủ tich Hồ Chí Minh đúc rút, cô đọng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn phương án tác chiến tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới, năm 1950. (Ảnh tư liệu)

Trong cách chơi cờ tướng, chỉ có các quân xe, pháo, mã, tốt mới được quyền di chuyển sang “đất địch” để tiến công đối phương; lực lượng có sức cơ động và tiến công mạnh nhất là quân xe, còn tốt yếu nhất. Trong lúc học đánh cờ, Người thấy diễn biến trên bàn cờ cũng như một cuộc chiến mà bên thắng cuộc chưa hẳn do có lực lượng mạnh, mà đôi khi có những thế cờ phải hy sinh cả xe, pháo, mã cũng không cứu vãn được tình thế tốt đã đột “nhập cung”. “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/Gặp thời, một tốt cũng thành công” là như vậy. Để dồn đối phương đi “lạc nước”, tạo lợi thế giành “thành công”, đòi hỏi người chơi cờ: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ/Kiên quyết, không ngừng thế tiến công”; trong tổ chức tiến công hay phòng thủ lại phải rất “thần tốc”, “không sơ hở” thì mới làm cho địch thủ bị động, rối loạn và đi đến thất bại. Làm được điều đó mới là người chơi cờ giỏi, giống như một vị tướng tài phải biết nghiên cứu hiểu rõ mạnh, yếu, âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, kịp thời đưa ra các đối sách, phương án tác chiến phù hợp, tiến công kiên quyết, liên tục làm cho chúng luôn ở thế bị động, bất ngờ, hoảng loạn, lực lượng bị tiêu hao, mất sức chiến đấu và kết cục phải thất bại.

Một trong những nét đặc trưng của thơ Đường là “Ý tại ngôn ngoại”. Trong hoàn cảnh “Thân thể ở trong lao”, Bác đã thông qua “nét đặc trưng” này để nói về vấn đề “Tinh thần ở ngoài lao”, tức là công cuộc giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó thực sự là ván cờ rất lớn, một bên là nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, bên kia là phát xít, thực dân và bè lũ tay sai mà nếu đem so sánh sẽ như quân tốt đối với quân xe trên bàn cờ. Hồ Chí Minh là người nắm rất vững lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chiến tranh cách mạng, lại nghiên cứu sâu sắc phép dùng binh của nhiều danh tướng trên thế giới cũng như nghệ thuật quân sự Việt Nam để viết tài liệu huấn luyện cho lớp cán bộ đầu tiên ở Pác Bó. Vì vậy, có thể khẳng định, bài thơ “Học đánh cờ” đã phản ánh tư tưởng quân sự của Người ở một số nội dung sau:

Một là, đánh giá đúng tình hình địch - ta. Đó chính là “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” trong bài thơ, bởi bất cứ hoạt động đối kháng nào thì việc đầu tiên phải tìm hiểu đối thủ, dù đó là chiến tranh hay thể thao, trong chiến sự hoặc chơi cờ. Vấn đề này đã được các nhà quân sự cổ đại đúc rút: “Biết mình, biết địch, trăm trận không nguy; không biết địch chỉ biết mình thì có thể thắng có thể thua; không biết địch, cũng không biết mình thì hễ đánh là thua”(2) và được Hồ Chí Minh phát triển: “biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận đều thắng. Biết sức ta, mà không biết sức địch thì một thắng một bại. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua”(3). Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng dù khởi nghĩa giành chính quyền hay kháng chiến bảo vệ nền độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú ý phân tích cục diện trong nước, thế giới, đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch để đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn. Trong đánh giá so sánh lực lượng, bao giờ Người cũng xem xét một cách tổng hợp “cả quân sự và chính trị, cả thế, lực và thời cơ, cả điều kiện khách quan và nghệ thuật lãnh đạo,...”(4). Trong mối quan hệ biện chứng giữa thế và lực, tuy lực là cơ sở để hình thành thế, nhưng ở vào thế có lợi thì lực yếu cũng trở thành mạnh và ngược lại, ở vào thế bất lợi, thì lực mạnh sẽ biến thành yếu, ngày càng hao mòn, như Người từng phân tích: “Quả cân chỉ một ki-lô-gam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm ki-lô-gam. Đó là thế thắng lực. Ta đánh Mỹ, lấy ít thắng nhiều được là nhờ cái thế của ta rất lợi...”(5). Việc nắm chắc tình hình, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch, thấy rõ chỗ mạnh chỗ yếu của đôi bên, từ đó đề ra đường lối cách mạng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và sáng tạo, chú trọng xây dựng thế và lực ngày càng vững mạnh là một trong những nguyên nhân làm nên chiến thắng của nhân dân ta trước đế quốc, thực dân sừng sỏ nhất ở thời điểm đó.

Hai là, nghệ thuật chớp thời cơ. Nắm chắc tình hình và chớp thời cơ để kịp thời hành động sẽ đạt kết quả “Gặp thời một tốt cũng thành công”. Muốn vậy, phải nghiên cứu dự báo được khi nào thời cơ xuất hiện, tích cực thúc đẩy cho thời cơ chín muồi và kịp thời chớp lấy. Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ, tháng 6-1940 nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng; cuối tháng 9-1940, quân Pháp ở Đông Dương đầu hàng Nhật, bằng nhãn quan của nhà chiến lược kiệt xuất, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy thời cơ lớn đang đến: “Dân tộc Việt Nam cần được độc lập, và đây chính là thời cơ cho dân tộc Việt Nam giành lấy tự do và độc lập!”(6). Vì vậy, tháng 02/1941, Người trở về nước chỉ đạo, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển. Tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc vừa làm công việc chuẩn bị triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (tổ chức vào 5/1941), vừa trực tiếp huấn luyện, xây dựng lực lượng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 do Người chuẩn bị đã xác định rất rõ những điều kiện cần cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra và giành thắng lợi. Một năm sau (02/1942), khi phát xít Đức thất bại trước cửa ngõ Mát-xcơ-va, Người dự đoán “1945 Việt Nam độc lập”(7) và tăng cường tuyên truyền xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; viết tài liệu huấn luyện cách đánh du kích; đồng thời, lấy tên là Hồ Chí Minh sang Trung Quốc tìm kiếm sự giúp đỡ của Đồng minh. Cuối năm 1944, trên đường trở về, Hồ Chí Minh đã kịp thời ngăn chặn chủ trương “Phát động chiến tranh du kích và gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa” của Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng vì thời cơ chưa chín muồi. Sau đó, Người dự đoán: “Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm...” và ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân làm nòng cốt xây dựng lực lượng cho kế hoạch giành chính quyền vào năm tới. Căn cứ vào các yếu tố chín muồi cho một cuộc khởi nghĩa được nêu trong Nghị quyết Trung ương 8 và Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Hà Nội là địa phương chủ động châm ngòi cho Tổng khởi nghĩa. Từ cuộc mít tinh chiều 17/8/1945 ủng hộ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội với lực lượng quần chúng đông đảo có các đội tự vệ chiến đấu, đội tuyên truyền xung phong làm nòng cốt đã cướp diễn đàn để biến cuộc mít tinh thành khởi nghĩa cách mạng vào ngày 19/8. Nhờ biết chớp lấy “Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!”(8), nên ngay trong ngày ta đã làm chủ toàn Thành phố mà gần như không phải đổ máu mặc dù lực lượng của phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn đang rất mạnh. Đó có thể gọi là thế “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/Gặp thời, một tốt cũng thành công” trong “ván cờ giành độc lập” mà dân tộc ta đã quyết đấu với Nhật, Pháp và bè lũ tay sai theo đúng dự kiến của Hồ Chí Minh.

Ba là, tư tưởng chiến lược tiến công. Chiến lược tiến công là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta từ chỉ đạo chuẩn bị, tiến hành khởi nghĩa, kháng chiến, xử trí các tình huống và giữ vững quyền chủ động. Quan điểm của Người là chủ động tiến công vào mọi kẻ thù, tiêu diệt chúng giành lấy độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc, dù đó là giặc ngoại xâm, giặc đói hay giặc dốt. Câu thơ “Kiên quyết không ngừng thế tiến công” đòi hỏi chủ thể của hành động phải luôn chủ động, dù đánh cờ hay đánh trận, như Hồ Chí Minh giải thích: “giữ quyền chủ động chính để giữ thế công”, khi đó “muốn đánh nó ở chỗ nào thì đưa nó đến đó mà đánh, muốn đưa nó vào bẫy của mình có thể đưa được” và “thế nào cũng thắng, không thắng to thì thắng nhỏ”(9). Sự chủ động giành thế tiến công trong kháng chiến được Người chỉ đạo thực hiện một cách phong phú, đa dạng: các hình thức đấu tranh, khi thì quân sự, khi thì chính trị, ngoại giao và kết hợp các hình thức với nhau. Về quân sự, đánh địch khi thì du kích, khi thì chính quy, khi thì kết hợp chính quy với du kích; tổ chức đánh địch mọi nơi, mọi lúc; sử dụng mọi loại vũ khí để chiến đấu, “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”(10), làm cho chúng luôn bị động, bất ngờ. Cũng như người chơi cờ giỏi có thể dùng xe, pháo, mã, tốt tiến công đơn lẻ hoặc phối hợp tiến công làm cho đối phương không kịp trở tay.

Tiến công là tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt, nhưng về mặt chiến thuật, chiến dịch thì có tiến công, có phòng ngự, không được duy ý chí. Vì tình thế buộc phải phòng ngự, Người yêu cầu phải sử dụng “lối phòng ngự thế công chứ không phải rút vào một chỗ để cho quân thù tha hồ đánh phá”(11). Dù tiến công hay phòng ngự cũng “nên thần tốc”, tức là hành động phải nhanh chóng, chớp nhoáng, vì: “Trong chiến tranh, giờ phút có quan hệ lắm, chỉ sai nhau 5 phút có thể quyết định được thắng bại” và “chỉ đánh thật nhanh để quyết thắng mau chóng mới có lợi mà thôi”(12). Thấm nhuần tư tưởng đó, ngày 07/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”, góp phần đẩy nhanh tiến trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng đánh thật nhanh không phải là hấp tấp, vội vàng mà phải “Tấn công, phòng thủ không sơ hở”, tức là “Đánh giỏi cần phải giữ giỏi. Giữ giỏi cũng cần phải đánh giỏi. Đánh, giữ cần phải giỏi cả mới trừ diệt được lực lượng của quân địch là điều kiện có thể quyết định thắng lợi”(13). Khác với chơi cờ, trong kháng chiến dân tộc ta luôn phải lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, nên Người coi trọng giữ gìn, phát triển lực lượng ta và tiêu diệt địch càng nhiều càng tốt để từng bước giành thắng lợi. Đó cũng là một trong những tiêu chí đánh giá tài năng của người cầm quân: “Đại tướng anh hùng mới xứng danh”.

Bài thơ với 84 từ, tuy chỉ chuyển tải được một phần rất nhỏ tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy kiến thức uyên bác, tài thao lược của Người trong dùng mưu, tính kế, tranh thời, đoạt thế của nghệ thuật quân sự truyền thống và tư tưởng cách mạng tiến công. Vì vậy, “Học đánh cờ” không những là bài thơ được nhiều người chơi cờ ngâm vịnh, mà còn là cẩm nang kinh điển cho chúng ta học tập, vận dụng vào lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

CÁC TIN KHÁC
PHÓNG SỰ ẢNH
Lượt truy cập :

Cơ quan chủ quản: Tỉnh Đoàn Đồng Nai
Địa chỉ: số 33, đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Website: doantncshcm.dongnai.gov.vn         Điện thoại: 02513.846.458        E-mail: vanphongtinhdoandn@gmail.com
® Ghi rõ nguồn " Tỉnh Đoàn Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

| Đăng nhập