NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 93 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930 - 03/02/2023) - MỪNG ĐẤT NƯỚC ĐỔI MỚI, MỪNG ĐẢNG QUANG VINH, MỪNG XUÂN QUÝ MÃO! - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI THÁNG THANH NIÊN NĂM 2023. - CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH (26/3/1931 - 26/3/2023) - TUỔI TRẺ ĐỒNG NAI THI ĐUA THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐOÀN CÁC CẤP, ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TỈNH ĐỒNG NAI LẦN THỨ X VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2022 - 2027.
Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
THEO DẤU CHÂN BÁC
​ Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay
Cập nhật 15/03/2018 15:01


Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người được biểu hiện đa dạng và vô cùng phong phú, thể hiện trong từng việc làm, cử chỉ và mối quan tâm của mỗi con người. Tất cả đều toát lên tình yêu vô hạn, sự tôn trọng, thái độ bao dung và niềm tin tuyệt đối vào con người. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng ta: Ngay khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi thì “đầu tiên là công việc đối với con người”, tức là phải có chính sách xã hội đối với con người. Đó là những việc mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang thực hiện trong sự nghiệp đổi mới hiện nay.

tu tuong hcm 

  1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới, con người phát triển toàn diện

1.1 Về xây dựng con người mới

Con người mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh là con người xã hội chủ nghĩa, con người phát triển toàn diện để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khái niệm con người mới xã hội chủ nghĩa là để phân biệt con người sống trong xã hội cũ, con người chưa được giác ngộ cách mạng, chưa được trang bị lý luận cách mạng đúng đắn theo lập trường của giai cấp công nhân. Con người mới xã hội chủ nghĩa không phải tự nhiên mà có, nó được gắn với sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, gắn với công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem xét con người trong mối quan hệ với xã hội. Người đưa ra một định nghĩa về con người rất mộc mạc mà độc đáo: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là cả loài người”(1). Với nghĩa đó, khái niệm con người đã mang trong nó bản chất xã hội, phản ánh các quan hệ xã hội. Khi bàn về con người, trong tư tưởng của Người không có con người trừu tượng mà chỉ có con người cụ thể, đó là mỗi một con người đều có cuộc sống, mối quan hệ riêng của họ. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khái niệm con người được nhắc tới như một mục tiêu thiêng liêng, cao cả của cách mạng. Tư tưởng về con người, giải phóng con người và con người phát triển toàn diện là nhân tố quyết định thành công của cách mạng được Người vận dụng và phát triển trong suốt cả cuộc đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Khi nói về mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc chăm lo con người, sao cho người lao động có công ăn việc làm, sao cho ai cũng được ấm no hạnh phúc. Người nói: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”(2). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn khẳng định: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(3).

Sau khi đến được với chân lý cách mạng, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “ Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình hạnh phúc”(4).

Cũng từ đó, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng xã hội, giải phóng con người để bảo đảm cho con người cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công bằng xã hội.

Quan điểm về con người mới xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người vận dụng quan điểm mác xít về con người để xây dựng con người mới, những con người mang thế giới quan và nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, con người thấm nhuần tư tưởng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Theo Người, để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa phải chú ý cả hai phương diện. Một mặt, là sự phấn đấu vươn lên không ngừng của mỗi người theo hướng tự giác đấu tranh với những mặt lạc hậu, mặt xấu vốn tồn tại như mặt bản năng tự nhiên của con người, đồng thời học tập, tu dưỡng đạo đức cách mạng được xem như tinh hoa văn hóa của nhân loại. Mặt khác, đó là sự tham gia tích cực của con người vào việc cải tạo xã hội theo hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội, đối với nước ta là thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, kết hợp với cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là hai mặt luôn gắn kết với nhau và “muốn có chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định một điều kiện có tính quyết định đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta mà còn chỉ rõ vị trí, vai trò quan trọng của con người mới xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

1.2 Về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện

Bước vào thế kỉ mới, với những biến đổi lớn lao, đặt ra nhiều thách thức mà con người phải đối mặt như: Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển; vấn đề môi trường; dân số; vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhân sinh, an sinh xã hội; vấn đề dân tộc, tôn giáo, khủng bố và các tệ nạn xã hội mới phát sinh. Điều đó khiến con người đứng trước những mâu thuẫn to lớn và hết sức gay gắt, buộc con người phải tự hoàn thiện bản thân để theo kịp xu thế mới của thời đại. Để làm được như vậy con người phải phát triển một cách toàn diện.

Nói tới con người Việt Nam phát triển toàn diện là nhằm tới mục tiêu xây dựng xã hội mới, thực hiện công bằng xã hội, dân chủ trong quản lý đất nước, đó là bản chất của chế độ xã hội mới mà chúng ta đang hướng tới.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong tư tưởng Hồ Chí Minh phải thực hiện từng bước, từng nhiệm vụ cụ thể như sau:

Thứ nhất, chiến lược con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ chỗ ý thức được vị trí, vai trò quyết định của con người đến sự nghiệp cách mạng ở nước ta, Người đã có tư duy rất sớm về chiến lược con người. Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc năm 1958, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trồng người theo tư tưởng Hồ Chí Minh là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm sâu sắc tới thế hệ cùng thời với mình, mà người còn quan tâm tới thế hệ tiếp sau. Người chú ý tới công tác thanh, thiếu niên và nhi đồng với một thái độ yêu thương, độ lượng, nghiêm túc và thận trọng. Người căn dặn phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thấy những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân phát sinh từ lớp người còn trẻ, đó là nguyên nhân xuất hiện những thanh, thiếu niên hư hỏng. Cho đến lúc sắp từ giã cõi đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân (Người viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng trên báo Nhân Dân ngày 03/02/1969, trước lúc Người qua đời vừa tròn bảy tháng). Điều đó cho thấy Người coi vấn đề đạo đức cách mạng và việc chống chủ nghĩa cá nhân có tầm rất quan trọng trong việc “trồng người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nâng niu, trân trọng những tài năng, tạo điều kiện để phát triển, vì đây là những hạt giống đỏ của đất nước.

Thứ hai, vai trò của giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức trong chiến lược con người thì công tác giáo dục, đào tạo con người mới là quan trọng hơn bao giờ hết. Ngay từ lúc mới từ nước ngoài trở về, Người đã nghĩ đến đào tạo người cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau như gửi đi đào tạo ở trường Phương Đông (Liên Xô), tổ chức huấn luyện trực tiếp, viết sách làm tài liệu cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Nhờ chăm lo tới việc giáo dục, bồi dưỡng và đào tạo những con người có ý thức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng được nhiều thế hệ cán bộ cách mạng thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước trên một tầm cao mới. Đó là những chiến sĩ cách mạng có thế giới quan và nhân sinh quan mới, sau này Người gọi đó là những con người mới xã hội chủ nghĩa, họ là những đảng viên đảng cộng sản, những đoàn viên thanh niên lao động, những chiến sĩ trong quân đội và công an nhân dân, những công nhân, nông dân trong sản xuất và chiến đấu. Người đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo cán bộ, đảng viên, gắn việc giáo dục lí luận với thực tiễn, lấy kết quả trong hoạt động thực tiễn làm thước đo tác dụng của giáo dục, đào tạo. Những bài học quý giá về công tác giáo dục, đào tạo con người mới đã được Người cô đọng trong hai tác phẩm nổi tiếng là Đường Kách mệnh và Sửa đổi lối làm việc với việc trình bày cặn kẽ từ kinh nghiệm công tác đến tư cách người cán bộ, đảng viên; từ các vấn đề lý luận đến các bài học trong thực tiễn công tác và chiến đấu.

Thứ ba, phương pháp xây dựng con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú ý tới phương pháp nêu gương, thống nhất giữa lời nói với việc làm, giữa lý luận với thực tiễn. Gương mẫu trong việc làm, trong cuộc sống, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước quần chúng, nêu gương tốt để quần chúng noi theo. Người chủ trương viết sách về người tốt, việc tốt nhằm nêu gương những chiến công nổi bật, vang dội, những công việc ích nước lợi dân, từ đó lôi cuốn đông đảo nhân dân kể cả các cụ già, cháu nhỏ thi đua làm việc tốt. Đó cũng là cách khơi dậy các tiềm năng tốt đẹp như tinh thần yêu nước, đạo đức trong sáng, thuần phong mỹ tục sẵn có ở người Việt Nam. Đây là những chất liệu để xây dựng con người mới phát triển toàn diện.

Cùng với phương pháp nêu gương người tốt, việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có cách nhìn người vừa bao dung, vừa sâu sắc để luôn khai thác những mặt tốt, tìm cách khơi dậy các mặt tốt. Người nói: “Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho mặt tốt của con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của con người cách mạng”(5).

Những luận điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, con người phát triển toàn diện còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Vấn đề xây dựng con người phát triển toàn diện đang được đặt ra một cách cấp thiết, khi nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

  1. Sự vận dụng của Đảng ta về vấn đề xây dựng con người phát triển toàn diện trong giai đoạn hiện nay

Trên cơ sở tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, là động lực của cuộc cách mạng. Quan điểm này đươc thể hiện thông qua các kỳ đại hội, đặc biệt tại Đại hội XII, Đảng đã bổ sung, phát triển nhiều quan điểm mới về xây dựng, phát triển con người. Những quan điểm này được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng cụ thể trong hoạt động thực tiễn và phát triển kinh tế - xã hội.

2.1 Thực trạng và một số vấn đề xây dựng con người Việt Nam

Sau 30 năm đổi mới, sự nghiệp “trồng người” ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả. Nhà nước đã quan tâm thực hiện các chính sách xã hội để nâng cao đời sống cho người dân, thể hiện sâu sắc tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ thống an sinh xã hội nói chung, hệ thống bảo hiểm nói riêng ở Việt Nam thay đổi theo hướng mở rộng đối tượng, loại hình như bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện). Nhà nước thực hiện chính sách cấp bảo hiểm y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em đến 6 tuổi, hỗ trợ một số đối tượng chính sách, người nghèo. Các chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng về quy mô và đối tượng, với mức trợ giúp ngày càng tăng…

Việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo những năm qua của Việt Nam được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nghèo, nâng cấp, làm mới, cải tạo các tuyến giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế; đồng thời tiếp tục quan tâm tạo nguồn lực để dân cư đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề tăng thu nhập. Tại Đại hội XII, Đảng ta xác định một trong những mục tiêu quan trọng là: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của của chiến lược phát triển”(6).

2.2 Quan điểm của Đảng về xây dựng con người phát triển toàn diện được thể hiện thông qua Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII

Thứ nhất, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển, là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020, đó là “xây dựng con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”(7). Đây là một bước tiến quan trọng của Đảng ta không chỉ coi trọng phát triển con người về mặt nhận thức, về mặt lý luận, mà còn biến thành nhiệm vụ cụ thể và hoạt động thực tiễn. Căn cứ để đưa ra nhiệm vụ tổng quát dựa trên sự đúc kết những giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đảng tạo điều kiện để con người giai đoạn hiện nay phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật một cách toàn diện. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tự hào dân tộc, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi những hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, để xây dựng thành công một xã hội tốt đẹp, văn minh và phát triển.

Thứ hai, gắn mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa với xây dựng con người.

Đại hội XII của Đảng khẳng định chủ trương gắn việc xây dựng văn hóa, con người với xây dựng và phát triển đất nước. Đây là bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về lĩnh vực phát triển con người sau 30 đổi mới. Đại hội XII khẳng định phương hướng phát triển văn hóa là: “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người... Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước”(8), bởi vì con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời là sản phẩm của chính nền văn hóa do mình sáng tạo ra. Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, nói tới văn hóa là nói tới con người, con người giữ gìn phát huy giá trị văn hóa, nhưng chính con người cũng có thể làm mất đi giá trị tốt đẹp của văn hóa. Cho nên, việc xây dựng, phát triển văn hóa không thể tách khỏi xây dựng, phát triển con người. Qua cách diễn đạt này, Đảng đã khẳng định và nhấn mạnh vấn đề trọng tâm, cốt lõi của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là xây dựng con người mới, con người phát triển toàn diện với nhân cách, lối sống, đạo đức tốt đẹp.

Thứ ba, Đảng ta khẳng định, vấn đề xây dựng con người là bốn trong sáu nhiệm vụ trung tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII.

Vấn đề xây dựng con người được xem là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Trong đó có hai nhiệm vụ đề cập tới phát triển năng lực cho con người. Ngay ở nhiệm vụ đầu tiên về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta nhấn mạnh cần phải: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(9).

Ở nhiệm vụ thứ ba, về tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Đảng ta yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, trong đó có: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”(10), có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với quan điểm nguồn nhân lực là vốn quý của đất nước, trong nhiệm vụ thứ năm, Đại hội XII của Đảng xác định: “Thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân”(11). Khi đề cập tới vấn đề đạo đức, lối sống, nhân cách của con người để xây dựng con người phát triển toàn diện, trong nhiệm vụ thứ sáu, Đảng ta khẳng định: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”(12). Việc cụ thể hóa những yêu cầu trong xây dựng và phát triển con người toàn diện là thể hiện sự nhận thức đúng đắn của Đảng trước yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, của quá trình hội nhập quốc tế và xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ tư, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp nhân dân ta đang thực hiện, diễn ra trên mọi mặt của đời sống và sản xuất. Sự nghiệp này được thực hiện bằng chính nguồn lực con người. Đó là những con người có tri thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ, về quản lý và dịch vụ. Để phát triển, con người phải được trang bị vững chắc về học vấn nền tảng, đào tạo con người có trình độ tay nghề, nắm vững công nghệ, khoa học, kĩ thuật trong sản xuất, hình thành phong cách lao động công nghiệp, lao động sáng tạo.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi người lao động phát triển cả đạo đức và nhân cách. Đó là đạo đức trung thực, đạo đức trong hành động, tự giác trong lao động. Biểu hiện của đạo đức cách mạng là sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, giữa nhận thức và hành động, giữa động cơ và hiệu quả. Đạo đức đó đáp ứng được chuẩn mực đạo đức của xã hội mới, là điều kiện cơ bản để thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

  1. Vũ Kim Dung - Trường Đại học Luật Hà Nội

Nguồn http://tcnn.vn/

CÁC TIN KHÁC
PHÓNG SỰ ẢNH
Lượt truy cập :

Cơ quan chủ quản: Tỉnh Đoàn Đồng Nai
Địa chỉ: số 33, đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai
Website: doantncshcm.dongnai.gov.vn         Điện thoại: 02513.846.458        E-mail: vanphongtinhdoandn@gmail.com
® Ghi rõ nguồn " Tỉnh Đoàn Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.

| Đăng nhập